Một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Dao ở bản Thanh Phán, xã Ðồng Văn, huyện Bình Liêu còn được gìn giữ và duy trì đến ngày nay, đó là Lễ hội Kiêng gió. Người Dao ở nơi đây lấy ngày mồng 4/4 âm lịch làm ngày Kiêng gió.
Vào ngày này, không một thành viên nào ở nhà vì người dân quan niệm nếu trong nhà có người thì thần gió sẽ không vào. Họ lặng lẽ rời nhà từ sớm, để khi thần gió vào nhà sẽ mang đi những rủi ro, phiền muộn của năm cũ và đem vào nhà những điều tốt lành, sự ấm no, sung túc.
Chị Chíu Thị Tình, thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn cho biết: “Ngày hội một năm chỉ có một lần nhưng với chúng tôi thiêng liêng lắm. Ngày hội này đã có từ rất lâu và đến hôm nay vẫn ý nghĩa như thế”.
Từ sáng sớm, con đường xuống chợ đã đông nghẹt người, màu áo đỏ rực của chị em người Dao nổi bật giữa sắc áo lam, áo đen của người Sán Dìu, người Tày... Nhà nhà, người người khắp mọi thôn, bản, xã vùng cao về đây tụ họp. Ngày hôm nay, người ta đến chợ mua sắm, bán những sản vật địa phương, hàng bán dao, bán giày, hàng vải, chỉ thêu...
Những năm gần đây, hội Kiêng gió được mở rộng nên sôi động và nhộn nhịp hơn trước. Không chỉ có người Dao ở Đồng Văn, người Dao từ các huyện lân cận Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà cũng đổ về đây, rồi người Kinh, người Sán Chỉ, người Tày cũng tìm đến.
Anh Triệu Anh Tuấn, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ hào hứng khi đến đây cùng họ hàng vui ngày hội. “Đông lắm, vui lắm! Hôm nay chợ nhiều đồ, nhiều người và hát đối, giao lưu văn nghệ thoải mái”, anh Tuấn chia sẻ.
Ngày hội Kiêng gió với người Dao không chỉ để mua sắm mà còn là dịp tự do gặp mặt, hò hẹn. Chẳng kể trai hay gái, già hay trẻ, tất cả mọi người đều coi đây là ngày để tìm đến người thân, bạn bè, cùng tâm sự chuyện quá khứ, nói những chuyện tương lai. Bất kể ai cũng được uống rượu, uống bia, hát câu Pả Dung, Sán Cố mà giao duyên.
Khi được hỏi cảm xúc của mình về cái riêng, sự độc đáo trong Ngày hội này, chị Chíu Pả Mùi, bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn rạng rỡ nói khi vừa kết thúc câu hát đối: “Gác lại những lo toan, cơm áo gạo tiền thường ngày, chúng tôi đến vui Ngày hội Kiêng gió cùng tìm về những kỷ niệm đã qua, bàn về tương lai sắp tới, ca hát hết mình với niềm vui hiện tại, để tiếp thêm sức cho những ngày sau chứ”.
Cũng trong Ngày hội, bà con nơi đây được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ, tái hiện lễ cấp sắc, đám cưới của người Dao, trình diễn trang phục mang bản sắc riêng của nhiều dân tộc; tham gia các trò chơi dân gian và các môn thể thao dân tộc (đẩy gậy, kéo co, bắt vịt, bóng bàn...); thi ẩm thực; thêu dệt trang phục truyền thống...
Cùng với các sự kiện, hoạt động văn hóa khác, Ngày hội Kiêng gió cũng là dịp để địa phương tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của người Dao Thanh Phán nói riêng và các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu nói chung; góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Vi Ngọc Nhất, Phó Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Bình Liêu, nhấn mạnh: “Với những giá trị của Ngày hội Kiêng gió, huyện Bình Liêu đang lập hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền xét công nhận ngày hội Kiêng gió là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, mang thương hiệu và bản sắc riêng”.