Tại Trường Hữu Nghị 80, tập trung chủ yếu là các em học sinh vùng DTTS và miền núi phía Bắc, các em học sinh đã được thi thử 2 lần. Theo danh sách thống kê điểm do nhà trường cung cấp, có trên 98% học sinh đạt điểm đỗ tốt nghiệp, trong đó có những em đạt trên 50 điểm 6 môn và không ít môn trắc nghiệm có điểm 10.
Thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Hữu Nghị 80 cho biết: Để có được những tín hiệu khả quan trong kỳ thi thử, ngay trong giai đoạn nghỉ dịch, nhà trường đã tổ chức ôn luyện Online cho các em học sinh. Đến khi học sinh quay trở lại trường, chúng tôi đẩy nhanh tiến độ học kỳ 2, kết thúc sớm năm học và bắt đầu cho học sinh ôn luyện tập trung các môn thi tốt nghiệp. Nhờ vậy, các em có thêm thời gian củng cố kiến thức.
Là một trong những học sinh có điểm thi thử top đầu của Trường Hữu Nghị 80, em Lý Thị Liễu, dân tộc Dao, chia sẻ: “Kỳ thi thử vừa rồi, em đạt tổng 52 điểm 6 môn. Đối với đề thi thử, em nhận thấy kiến thức có hầu hết trong chương trình học, không quá khó đối với các bạn học sinh trung bình, nếu ôn luyện kỹ, việc đạt điểm 10 là không quá khó”.
Còn tại các địa phương vùng khó khăn hơn như Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên, tại thời điểm này, học sinh khối 12 đã kết thúc học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 và bước qua lần thi thử tốt nghiệp THPT lần 3 do nhà trường tổ chức. Kết quả sau 3 lần thi thử, trên 90% các em học tại trường đạt điểm đỗ tốt nghiệp, gần 10% còn lại chưa đạt yêu cầu, tập trung chủ yếu vào các em người dân tộc Cống và Si La.
Cô giáo Hoàng Thị Hà, giáo viên dạy Văn, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Lực học của các bạn học sinh khối 12 rất đều nhau và đáp ứng đầy đủ kiến thức để bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, một số các em học sinh dân tộc Cống, Si La, do thời gian nghỉ dịch kéo dài, lại không có điều kiện học Online nên hổng kiến thức rất lớn. Hiện, chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ ôn tập, tổ chức học nhóm có giáo viên kèm riêng ngoài giờ học trên lớp đối với các em trên, bảo đảm các em có đủ kiến thức tham gia kỳ thi tốt nghiệp thời gian tới”.
Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT, đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12, bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, trong bất cứ kỳ thi nào, để đáp ứng mục tiêu của kỳ thi đều phải có tính phân hóa. Độ khó của kỳ thi năm nay, mức độ phân hóa của đề thi đã được điều chỉnh để phù hợp với định hướng tinh giản chương trình học trong bối cảnh dịch Covid-19.
Đến thời điểm này, việc bảo đảm cho các em học sinh vùng đồng bào DTTS và miền núi có đầy đủ kiến thức thi, đỗ tốt nghiệp là hết sức cần thiết. Đây là thời điểm nước rút quan trọng để các em học sinh chuẩn bị tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi THPT. Vì vậy, đội ngũ giáo viên cần tập trung nâng cao chất lượng các buổi ôn luyện, trang bị lại kiến thức cho học sinh. Các em học sinh cần nỗ lực không ngừng để ôn luyện, đạt thành tích cao trong kỳ thi sắp tới…