Những ngày đầu tháng 5/2019, mặc dù thời tiết thuận lợi để gieo trồng các loại cây trồng nhưng nhiều hộ dân xã Đăk Nên, huyện Kon Plong, thuộc diện TĐC Thủy điện Đăkđrinh chỉ biết tụ tập ngồi chơi với nhau do không có đất sản xuất.
Dù ruộng đất để trống trơn nhưng anh Đinh Văn Tối, dân tộc Ba Na ở làng Xô Luông vẫn chỉ ngồi vật vờ ở nhà mặc ngày tháng trôi qua. Anh Tối cho hay, sau khi đất của gia đình bị thu hồi để làm thủy điện, nhà anh được cấp một căn nhà TĐC, 1ha đất rẫy và 2 sào lúa nước. Tuy nhiên, đất rẫy thì cằn cỗi, sỏi đá nên nhà anh chỉ trồng được keo. Còn 2 sào lúa nước người dân làng bên cạnh vẫn giữ không cho canh tác bởi, đơn vị thủy điện lấy đất nhưng vẫn chưa thực hiện xong bồi thường.
Không chỉ gia đình anh, mà còn nhiều trường hợp khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. Do không chịu được cảnh cùng quẫn, không có đất sản xuất nên một số hộ gia đình đã kéo nhau đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Số còn lại không đi làm thì lại tụ tập nhau nói chuyện, nhậu nhẹt “giết” thời gian…
Cách nhà anh Tối không xa, chị Y Đối cũng kể, những năm qua người dân khu vực TĐC không có đất sản xuất, cũng không có việc làm nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Chính vì không có việc làm nên rảnh rỗi tụ tập rủ nhau nhậu nhẹt, rượu bia. Từ những tệ nạn này đã nảy sinh hàng loạt các hậu quả tiêu cực. Từ lúc chuyển về khu ở mới, cả làng có tới 12 người chết, trong đó có 8 người tự tử, một người bị đánh chết.
Nét mặt buồn rầu, cùng ánh mắt thoáng chút sợ hãi, chị Y Đối nhớ lại, vào một ngày giữa tháng 9/2015, chị chứng kiến cảnh đôi vợ chồng rủ bạn bè về nhà nhậu. Khi thấy người vợ ngà ngà say, người chồng ngăn cản không cho vợ mình uống nữa vì còn phải chăm con nhỏ. Tuy nhiên, do có hơi men trong người chị vợ không nghe nên bị chồng đánh. Bực tức chị vợ đã dùng thanh củi đập vào đầu chồng khiến nạn nhân tử vong. Chị vợ đã bị TAND tỉnh Kon Tum tuyên phạt 24 tháng tù về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Bi kịch đó khiến chị Y Đối và nhiều người bị ám ảnh bởi chỉ vì chút rượu mà gia đình tan hoang, con nhỏ thiếu sự chăm sóc của cha lẫn mẹ.
Nhận thấy điều kiện nơi ở mới không khả thi, nhiều người dân liều mình quay về làng cũ mặc cho địa phương ra sức khuyến cáo và ngăn cản vì rất nguy hiểm. Hiện nay, mặc dù ở khu TĐC các căn nhà được xây kiên cố nhưng chỉ lác đác vài bóng người bám trụ lại. Những căn nhà khác không có người ở thì bỏ hoang hoặc trở thành nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Một số người dân nơi đây cho hay, vào năm 2013, khu TĐC làng Xô Luông có 57 hộ dân chuyển tới sinh sống, nhưng dần dần các hộ bỏ đi, hiện nay chỉ còn lại vỏn vẹn 9 hộ bám trụ lại. “Không có đất sản xuất, không có việc làm, nước sinh hoạt cũng thiếu. Ngay chính miếng ăn chúng tôi còn lo không nổi nên người dân rủ nhau bỏ đi hết… Khổ lắm cô chú ạ, nhưng chúng tôi chẳng biết làm sao”, chị Y Đối tâm sự.
Trao đổi về thực tế này với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sanh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nên cho hay, trong các cuộc tiếp xúc cử tri bà con ý kiến rất nhiều về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Sau khi tiếp nhận ý kiến của bà con, xã đã báo cáo và đề nghị cấp trên xem xét, hỗ trợ giải quyết cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Tương tự, ông Đặng Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Kon Plong cũng cho biết, UBND huyện cùng với tỉnh đã làm việc với Công ty Thủy điện Đăkrinh về vấn đề này. Qua các lần làm việc, phía Công ty cũng hứa hẹn nhưng đến nay, vẫn chưa thực hiện xong.
Dự án thủy điện Đăkđrinh do Công ty CP Thủy điện Đăkđrinh làm chủ đầu tư. Dự án khởi công tháng 9/2009, công suất 125MW với vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Đối với tỉnh Kon Tum, đến nay đã tiến hành di dời 192 hộ dân với 843 khẩu để phục vụ thủy điện. Tuy nhiên, các hộ dân di dời nhưng thủy điện này vẫn chưa hoàn thành bồi thường, hỗ trợ cho người dân để ổn định cuộc sống.
ĐỨC HUY