Tuy nhiên, việc giải ngân kinh phí hỗ trợ ở nhiều địa phương rất chậm chạp; trong khi nhiều gia đình Người có công đang sống trong những ngôi nhà ọp ẹp, xuống cấp nghiêm trọng.
Mỏi mòn chờ hỗ trợĐã nhiều năm nay, 6 nhân khẩu trong gia đình ông Ma Văn Châm (sinh năm 1949), dân tộc Tày, một hộ nghèo ở thôn Nà Chúc, xã Hồng Quang (Lâm Bình, Tuyên Quang) sống trong ngôi nhà xiêu vẹo, dột nát. Là cựu chiến binh tham gia giải phóng miền Nam, sau ngày thống nhất đất nước, ông về lại quê nhà với nhiều vết thương trên cơ thể, hơn nữa lại bị nhiễm chất độc hóa học nên thường xuyên đau yếu. Mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều trông cậy vào vợ con.
Niềm mong mỏi của ông Châm lâu nay là có tiền để dựng lại căn nhà cho tươm tất. Khi biết có chính sách hỗ trợ nhà ở cho Người có công theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, được Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Lâm Bình hướng dẫn thủ tục, ông đã làm hồ sơ. Nhưng chờ đợi trong mỏi mòn, hồ sơ của ông hiện vẫn chưa được xét duyệt.
Ông Ma Công Qùy, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Lâm Bình, cho biết, trong các hộ nghèo ở thôn Nà Chúc thì gia đình ông Châm thuộc diện khó khăn nhất. Bản thân ông già yếu, lại bệnh tật nên không còn khả năng lao động. Hội đã nhiều lần đề xuất với cấp trên sớm xét duyệt hồ sơ hỗ trợ xây mới nhà cho gia đình ông Châm, nhưng chưa thấy có hồi đáp.
Đem vấn đề này trao đổi với ông Hứa Văn Dịch, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi được biết, không chỉ riêng trường hợp ông Châm mà trên địa bàn tỉnh hiện còn rất nhiều gia đình Người có công cần hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng chưa thực hiện được. Ngoài nguyên nhân kinh phí chưa được bố trí đủ thì việc xét duyệt hồ sơ cũng mất rất nhiều thời gian. Rất nhiều trường hợp Người có công với cách mạng không còn hồ sơ gốc, hoặc không hợp lệ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Tuyên Quang lại rất trăn trở với những trường hợp Người có công là nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam đang khó khăn về nhà ở. Cầm danh sách 151 hội viên thuộc hộ nghèo đã đăng ký hỗ trợ nhà ở từ nhiều năm nay nhưng chưa giải quyết được, ông Sâm bảo: “Chỉ mong sao cấp trên sớm bố trí được nguồn lực để hỗ trợ họ. Đây là những hộ thực sự có nhu cầu và đã đăng ký với cấp có thẩm quyền về làm mới hoặc sửa chữa nhà ở”.
Chậm trên diện rộngThực tế, không chỉ riêng Tuyên Quang mà ở nhiều địa phương khác, tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ về nhà ở cho Người có công với cách mạng theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg là rất chậm. Chính sách này được triển khai từ năm 2013, với mục tiêu hỗ trợ 313.707 hộ Người có công với cách mạng về nhà ở. Nhưng trong giai đoạn 2013-2016, cả nước mới hỗ trợ được 80.000 hộ, chỉ đạt 25,5% kế hoạch.
Tháng 7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 63/NQ-CP về đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTG (giai đoạn 2), bổ sung thêm từ nguồn ngân sách Trung ương khoảng 840 tỷ đồng (ngoài 7.300 tỷ đồng đã được bố trí). Căn cứ đề án và kế hoạch hỗ trợ đã được phê duyệt, các địa phương đề xuất ứng vốn nhằm hoàn thành dứt điểm việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho Người có công trong 2 năm (2017-2018).
Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều gia đình Người có công với cách mạng ở nhiều địa phương thực sự có nhu cầu về nhà ở nhưng chưa được tiếp cận chính sách. Như ở Nghệ An, theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho Người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được phê duyệt, tổng số hộ cần được hỗ trợ về nhà ở là 26.846 hộ (13.748 hộ xây dựng mới và 13.098 hộ sửa chữa), tổng số kinh phí ngân sách cần hỗ trợ gần 816 tỷ đồng. Nhưng hết năm 2017, Trung ương mới bố trí kinh phí để hỗ trợ nhà ở cho 1.018 hộ; số đối tượng còn lại chưa được bố trí kinh phí là 25.828 hộ.
Hay tại Quảng Ninh, theo kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho Người có công với cách mạng giai đoạn 2, trong 2 năm 2017-2018, tỉnh này sẽ hoàn thành hỗ trợ cho 3.630 hộ (xây mới 1.875, sửa chữa 1.755 nhà ở). Nhưng hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mới triển khai xây mới, sửa chữa nhà ở cho 971 hộ, đạt 26,8% tổng số hộ theo Đề án được phê duyệt; trong đó, xây mới 600 nhà (32%), sửa chữa 371 nhà (21%)…
Thiết nghĩ, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ về nhà ở cho Người có công. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cần cân đối, bổ sung kinh phí để cấp cho các địa phương triển khai. Có như vậy, hết năm 2018, mục tiêu hỗ trợ 313.707 gia đình Người có công với cách mạng về nhà ở mới hy vọng đạt được.
KHÁNH THƯ