Gạo xuất cấp hạn chế
Nghị định 75/2015/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ75) của Chính phủ quy định rất nhiều cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020. Trong đó có chính sách hỗ trợ gạo cho các gia đình tham gia trồng rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ thay thế nương rẫy trong thời gian chưa tự túc được lương thực.
Theo đó, các hộ tham gia bảo vệ và phát triển rừng sẽ được hỗ trợ 15kg gạo/khẩu/tháng hoặc bằng tiền tương ứng với giá trị 15kg gạo tại thời điểm trợ cấp; thời gian được hỗ trợ tối đa không quá 7 năm. Đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo ở xã khu vực II, khu vực III thuộc vùng DTTS và miền núi.
Như vậy, địa bàn thụ hưởng chính sách hỗ trợ gạo là rất rộng. Bởi theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017, giai đoạn 2016-2020, cả nước có 2.018 xã khu vực II, 1.935 xã khu vực III thuộc 51 tỉnh vùng DTTS và miền núi. Nhưng đến thời điểm này (tháng 8/2019), rất ít địa phương được cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Tại Hội thảo tham vấn sáng kiến Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi do Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức ngày 30/7/2019, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, từ năm 2015-2018, Bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt hỗ trợ 139.749 tấn gạo cho 6 tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam.
“Nhưng đến hết năm 2018, trong số 6 tỉnh nêu trên, Bộ Tài chính mới chỉ xuất cấp được 44.130 tấn cho 4 tỉnh; còn Sơn La và Quảng Nam chưa được bố trí”, ông Nam cho biết.
Do số lượng gạo đã xuất cấp hạn chế nên hiện mới chỉ có 106.626 lượt hộ nghèo ở 4 tỉnh được hỗ trợ gạo theo NĐ75. Trong khi đó, ở các xã khu vực II, khu vực III thuộc 51 tỉnh vùng DTTS và miền núi đang có hàng triệu hộ cần được hỗ trợ để trồng rừng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, chính sách hỗ trợ gạo là rất thiết thực, góp phần giải quyết an ninh lương thực cho hộ nghèo khi tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Ông Nam đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để triển khai chính sách theo NĐ75.
Địa phương chần chừ?
Theo tìm hiểu của phóng viên, việc hạn chế số lượng gạo xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia chỉ là một nguyên nhân khiến chính sách hỗ trợ gạo theo NĐ75 bị “ách tắc”. Mấu chốt là ở chỗ, các địa phương vẫn chưa quan tâm bố trí vốn để thực hiện.
NĐ75 quy định, đối với những địa phương có tỷ lệ điều tiết nguồn thu về Trung ương dưới 50% thì ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ 50% kinh phí, 50% còn lại do ngân sách địa phương đảm bảo. Đối với những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thì ngân sách Trung ương hỗ trợ 100%; các địa phương tự cân đối được thì sử dụng ngân sách địa phương để triển khai.
Quy định là vậy nhưng gần như các tỉnh đều rất chần chừ trong việc triển khai chính sách hỗ trợ gạo theo NĐ75; ngay cả với những tỉnh đã tự cân đối được ngân sách. Như Khánh Hòa, ngày 26/11/2018, UBND tỉnh mới ban hành Quyết định số 3602/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ, trợ cấp cụ thể các chính sách theo NĐ75, trong đó có chính sách hỗ trợ gạo.
Như vậy, sau 3 năm tính từ ngày NĐ75 có hiệu lực (ngày 02/11/2015-Pv), các cơ chế, chính sách theo NĐ75 mới được triển khai trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Theo kết quả giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, đến tháng 7/2019, toàn tỉnh mới chỉ có 20 hộ ở xã Ba Cụm Nam (huyện Khánh Sơn) được hỗ trợ gạo.
Với tỉnh khá như Khánh Hòa còn chậm triển khai thì ở các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, chính sách hỗ trợ gạo theo NĐ75 bị “ách tắc” là điều dễ hiểu. Ở nhiều địa phương, mãi tới đầu năm 2019 mới phê duyệt kế hoạch thực hiện.
Như Bắc Kạn, ngày 31/01/2019, UBND tỉnh mới có Quyết định số 210/QĐ-UBDT phê duyệt đề án hỗ trợ gạo theo NĐ 75. Còn Sơn La, ngày 28/2/2019, tỉnh này mới có Quyết định số 493/QĐ-UBND ban hành kế hoạch hỗ trợ gạo cho các hộ tham gia trồng rừng sản xuất, trồng rừng phòng hộ thay thế nương rẫy;…
Một vấn đề cũng cần quan tâm là, theo quy định tại NĐ75, để được hỗ trợ gạo thì các hộ nghèo bắt buộc phải có “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền” trên diện tích đất lâm nghiệp nhận trồng rừng sản xuất, trồng rừng thay thế nương rẫy. Nhưng hiện có rất nhiều hộ có đất lâm nghiệp nhưng chưa được cấp sổ đỏ nên không đủ điều kiện thụ hưởng.
Như ở tỉnh Khánh Hòa, năm 2019 có 35 hộ ở xã Khánh Phú đăng ký trồng rừng sản xuất thay thế nương rẫy, với tổng diện tích 54,3ha. Nhưng do chưa có hộ nào được cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp nên không được hỗ trợ gạo.
Rõ ràng, việc hỗ trợ gạo theo NĐ75 là chính sách rất thiết thực để hộ nghèo ở các xã khu vực II, khu vực III vùng DTTS và miền núi, nhất là đồng bào DTTS, xóa đói, giảm nghèo từ việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, hơn lúc nào hết, các địa phương cần quan tâm tháo gỡ các vướng mắc hiện nay. Ngoài việc chủ động bố trí nguồn lực thì các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp cho người dân, vì đây là điều kiện bắt buộc để người dân đủ điều kiện thụ hưởng các cơ chế, chính sách của NĐ75.
SỸ HÀO