Vì thế, sau Đại đại hội Đại biểu tỉnh nhiệm kỳ 2015- 2020, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng xác định tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác ở vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, Tỉnh uỷ Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 11, ngày 14/2/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác ở vùng đồng bào DTTS, để tạo “sức bật” mới cho vùng đồng bào dân tộc.
Ông Huỳnh Văn Sum, Phó Bí thư Tỉnh uỷ cho biết: Sau khi Nghị quyết 11 được quán triệt, các sở, ban ngành đã xây dựng kế hoạch thực hiện, cụ thể hoá thành các giải pháp nhằm thực hiện đạt kết quả cao nhất, đồng thời khắc phục hạn chế của nhiệm kỳ trước.
Hiện tại toàn tỉnh Sóc Trăng có 5.718 đảng viên là người dân tộc Khmer, chiếm tỷ lệ 14,24% số đảng viên toàn tỉnh (40.142 đảng viên). Đội ngũ cán bộ, đảng viên trực tiếp công tác trong vùng đồng bào DTTS đã từng bước đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tiễn của địa phương.
Trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, tỉnh yêu cầu các địa phương tranh thủ phát huy vai trò của Người có uy tín làm đầu tàu trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, thường xuyên sơ kết, tổng kết, phát huy, nhân rộng các mô hình hay, nhân tố mới; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc ở địa phương. Từ đó, đồng bào DTTS thể hiện lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.
Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện đầy đủ các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS như: Chương trình 135; chính sách định canh, định cư; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giải quyết việc làm, cho vay vốn phát triển sản xuất; phát triển giáo dục và đào tạo; bảo tồn và phát triển văn hóa… với nguồn kinh phí hàng nghìn tỷ đồng.
Đến nay, hầu hết các xã có đông đồng bào DTTS đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế, đường ô tô đến trung tâm xã; 95% hộ DTTS được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 99,4% hộ dân tộc Khmer có điện sinh hoạt. Năm 2010, bình quân thu nhập đầu người chỉ 10 triệu đồng/năm, nay đã tăng lên 32 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, năm 2017, gần 160 hộ có hoàn cảnh khó khăn đã trả sổ hộ nghèo, trong đó có 124 hộ xây được nhà kiên cố, mua sắm khá đầy đủ các vật dụng sinh hoạt tiện nghi. Cũng trong năm 2017, toàn tỉnh có 3,3% hộ thoát nghèo, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,85%. Trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer là 17,95%, giảm 5% so với năm 2016.
Song song đó, các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế trong vùng đồng bào DTTS cũng có nhiều tiến bộ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục ổn định. Công tác xây dựng hệ thống chính trị ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống; đào tạo, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý là người DTTS được tỉnh quan tâm thực hiện tốt.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Sum, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, nhìn chung tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh vẫn còn khá cao, theo đó nhiệm vụ trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Sóc Trăng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, triển khai xây dựng nhanh các công trình trọng điểm và chương trình xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đầu tư, tạo cơ hội cho nông dân, nhất là những nơi có đông đồng bào DTTS chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến cho đồng bào DTTS để áp dụng vào sản xuất nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững.
NHƯ TÂM