Hồ Na Đẩy từng là một hồ thủy lợi nhỏ, nằm giữa thị trấn Mường Khương; hồ có nhiệm vụ cung cấp nước tưới tiêu cho cánh đồng hơn 10ha. Ông Phạm Đức Dũng, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Lào Cai cho biết: Từ cuối năm 2014, dự án nâng cấp và cải tạo hồ Na Đẩy được tỉnh Lào Cai phê duyệt. Do hồ nằm ở thị trấn nên khi lập dự án, UBND tỉnh đã đồng ý cho nâng cấp hồ thành hồ đa mục đích vừa dùng để tưới tiêu, kết hợp cảnh quan sinh thái. Chủ đầu tư là Chi cục thủy lợi, với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng từ nguồn vốn an toàn hồ chứa. Đơn vị trúng thầu thi công là liên doanh 3 công ty có trụ sở tại phường Phố Mới, TP. Lào Cai.
“Sau hơn 1 năm thi công, công trình được bàn giao vào tháng 5/2015. Năm 2016, hồ bắt đầu được tích nước với tổng lượng nước xấp xỉ 80 nghìn mét khối. Thời gian tích nước được vỏn vẹn hơn 2 tháng. Sau đó, hồ bắt đầu có hiện tượng thẩm thấu, sau thì cạn hoàn toàn”, ông Dũng cho biết thêm.
Ông Vũ Trung Thành, người dân Xóm Mới 1, thị trấn Mường Khương cho biết: Ai cũng mong hồ có nước đến “đỏ cả mắt”; hơn 2 năm rồi, hàng chục tỷ đồng đổ vào đây mà chẳng có tí nước nào cả. Chúng tôi rất mong các ban ngành, chính quyền địa phương vào cuộc, làm rõ nguyên nhân cũng như trách nhiệm của từng cá nhân tổ chức. Sớm có giải pháp đưa nước về hồ; góp phần thay đổi diện mạo của thị trấn và huyện Mường Khương khang trang, sạch đẹp hơn.
Ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cũng nhìn nhận, nếu hồ tích nước đủ theo thiết kế sẽ phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất, đồng thời, tạo cảnh quan sinh thái cho địa phương.
Nói về nguyên nhân của tình trạng này, đại diện chủ đầu tư cho biết, do thực hiện cấp bách, nên chỉ đánh giá địa chất bằng phương pháp trắc hội mà không khoan thăm dò. Chính vì vậy, công trình đã được đánh giá lại sau khi xảy ra hiện tượng mất nước. Do bên dưới có những hố cát tơ. Đây là địa hình tương đối phổ biến tại các vùng miền núi, đặc biệt là tại huyện Mường Khương. Dưới lòng đất luôn có những dạng hang động, liên thông với nhau tạo thành các mạch ngầm khổng lồ.
Nguyên nhân thứ hai, là do nguồn nước cấp vào hồ rất nhỏ, trên đường ống cấp nước về hồ, người dân thường xuyên trích ra, đấu nối lấy nước sinh hoạt...
Được biết, trước thực trạng không hiệu quả của công trình, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục giao cho chủ đầu tư xây dựng dự án xử lý chống thấm và cấp nước vào hồ Na Đẩy. Tháng 11/2017, dự án được phê duyệt với số tiền 2,5 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, nông thôn. Tháng 12/2017, dự án hoàn thiện hồ sơ, đơn vị trúng thầu thi công là Công ty cổ phần xây dựng Việt Thái (trụ sở tại Lào Cai).
Ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Việt Thái cho biết: Hiện tại, đơn vị đang tích cực các điểm sụt lún theo thiết kế là đào lỗ cát tơ sâu 4m rồi đổ bê tông đáy dày 30cm. Còn lại toàn bộ bề mặt lòng hồ sẽ đổ đất sét dày 30 cm, đầm chặt. Đồng thời, đấu nối một đường ống dẫn nước mới với đường kính phi 300.
Tuy nhiên, dù đang khẩn trương thi công, nhưng theo chính ông giám đốc đơn vị này thì, biện pháp xử lý này cũng không thực sự hiệu quả. “Theo tôi, biện pháp này khó mà bảo đảm có thể giữ được lượng nước cho hồ. Lý do là lòng hồ rất rộng, có thể có nhiều hố thủng chưa được phát hiện. Nếu có kinh phí, thì giải pháp hiệu quả nhất là lu lèn toàn bộ lòng hồ. Sau đó, trải vải địa rồi đổ một lớp bê tông dày khoảng 20cm lên trên. Vì lượng nước lớn, sức ép 5 tấn/m2, khi đào lên đất rất tơi xốp, nước thấm qua rất nhanh”, ông Hưng nhấn mạnh.
Hàng chục tỷ đồng đã được thanh quyết toán và hàng tỷ đồng tiếp tục được bổ sung để khắc phục sự cố hồ Na Đẩy, nhưng hiệu quả ra sao thì vẫn còn chờ đến khi hoàn thành như lời khẳng định của ông Phạm Đức Dũng, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Lào Cai, đơn vị chủ đầu tư “Nếu đúng tiến độ thì cuối tháng 4, đầu tháng 5/2018 hồ Na Đẩy sẽ tiến hành tích nước”. Còn hiện tại, với diện tích cỏ mọc um tùm trong hồ người dân nơi đây vẫn đang tận dụng để thả trâu, bò.
TRỌNG BẢO