Trước nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt ra môi trường ngày càng trở nên cấp thiết, từ năm 2019, Công ty cổ phần môi trường Lam Sơn đã phối hợp với UBND huyện Thường Xuân, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa) nghiên cứu công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ sinh học, đưa vào thực nghiệm tại xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân.
Bước đầu, công nghệ này mang lại những kết quả rất tích cực như: trong quá trình xử lý không phát sinh mùi hôi, không xuất hiện nước rỉ rác, không ruồi muỗi, khối lượng rác thải phải đốt hoặc chôn lấp giảm đáng kể.
Không những vậy, chi phí đầu tư ban đầu thấp, sản phẩm thu hồi hoàn toàn có thể tạo giá trị kinh tế cao, đặc biệt hiệu quả với những bãi rác vốn đã quá tải hiện nay như: bãi rác Đông Nam, Sầm Sơn… với công suất từ 30 – 1000 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Duy Bình, Giám đốc Công ty cổ phần môi trường Lam Sơn cho biết: doanh nghiệp cùng các đơn vị đã phối hợp nghiên cứu ra chủng men mới. Nguồn gốc của chủng men này, là sự kết hợp của các chủng men được Nhà nước công nhận sau thí nghiệm. Tiếp đó, là sử dụng dây chuyền tách lọc rác bằng công nghệ cơ khí kết hợp men vi sinh này. Qua đó, tách lọc được ni long, túi bóng để chế xuất ra hạt nhựa làm nguyên liệu sản xuất đồ gia dụng, lọc được lượng mùn hữu cơ để bón cho cây trồng. Hiện, mô hình xử lý rác bằng công nghệ vi sinh có thể xử lý được 50 - 100 tấn rác thải/ngày.
Ưu điểm của công nghệ xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học men vi sinh này, là ít tốn kém, chi phí ban đầu chỉ khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, không cần nhiều diện tích, bảo đảm môi trường cho công nhân. Sau khi rác được thu gom, vận chuyển về bãi tập kết sẽ được phun men trong 1 - 2 tiếng và xử lý đến khi không còn mùi hôi. 30 ngày sau, rác được đem vào tách lọc ra các sản phẩm hạt nhựa, mùn và các sản phẩm khác.
Bên cạnh đó, mô hình này có kết hợp với việc nuôi giun quế sống trong rác làm mùn hữu cơ, hiện đã cung cấp ra thị trường 2 sản phẩm đó là: mùn dùng bón cho các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, cây lâm nghiệp và giun quế chiết xuất ra tinh dịch giun để xuất khẩu sang Ấn Độ.
Các quy trình xử lý rác của công nghệ vi sinh gồm: Đầu tiên là công đoạn xé bao bằng thiết bị xé để bảo đảm rác được tiếp xúc với vi sinh. Tiếp đó là công đoạn ủ vi sinh. Rác được đánh đống ủ trong 20 - 25 ngày, sau đó được đảo trộn rồi ủ tiếp 20 - 25 ngày nữa. Lúc này, nhờ chế phẩm vi sinh mà nhiệt độ trong đống rác ủ sẽ lên tới 70-80 độ C giúp cho độ ẩm của rác từ 90 - 80% giảm xuống còn 30%.
Cuối cùng, rác sau ủ được đưa lên sàng phân loại qua băng tải và được tách thành 3 loại: Mùn hữu cơ; rác thải vô cơ (gạch, đá, thủy tinh…); nilon, nhựa và rác hữu cơ không thể tái chế. Nilon, nhựa và rác hữu cơ không thể tái chế được đưa qua hệ thống quạt thổi, hút để tách riêng nilon và nhựa đưa đi tái chế, rác hữu cơ không thể tái chế đưa vào lò đốt.
Ông Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ môi trường Thanh Hóa đánh giá cao hiệu quả của công nghệ này. Ngoài những ưu điểm về thân thiện với môi trường, sản phẩm thu hồi có giá trị kinh tế cao, cụ thể như nilon, nhựa thu hồi có thể bán ngay với giá 1 - 1,5 triệu đồng/tấn, mùn hữu cơ với giá 200.000 - 300.000 đồng/tấn).
Tại tỉnh Thanh Hóa mỗi ngày phát sinh khoảng 2.013 tấn rác sinh hoạt nhưng đa số chỉ được xử lý bằng cách chôn lấp và đốt. Ông Thái cho rằng, công tác xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt là vô cùng cấp thiết.
“Với công nghệ này, khu vực dây chuyền xử lý không hề gây ô nhiễm như các lò đốt hay chôn lấp thủ công. Từ những thử nghiệm thành công bước đầu, dù dây chuyền còn nhiều khâu cần phải cải tiến, song tôi tin mô hình này sẽ sớm được nhân rộng ra toàn tỉnh”.