Bên cạnh đó là, Đề án 585 của Bộ Y tế về “thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn”, đã từng bước góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà được giao kế hoạch 120 giường bệnh, tuy nhiên số giường bệnh thực kê tại bệnh viện luôn vượt trên 200 giường bệnh. Để phục vụ cho công tác khám và điều trị bệnh nhân, toàn bệnh viện chỉ có 36 bác sĩ (kể cả cán bộ quản lý).
Sự thiếu thốn về cơ sở vật chất và đội ngũ y bác sĩ có trình độ đã hạn chế rất nhiều trong công tác khám và điều trị. Bác sĩ Nguyễn Như Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện bộc bạch: Hầu hết tuyến y tế vùng cao đều gặp khó khăn trong công tác thu hút bác sĩ về công tác.
Gần chục năm bệnh viện chưa tuyển được một bác sĩ chính quy nào. “Mãi đến tháng 7/2017 vừa qua, Bệnh viện mới có một bác sĩ chính quy tình nguyện về công tác theo Đề án 585 của Bộ Y tế”.
Cũng theo bác sĩ Tuấn, nhờ có Đề án 1816, 585 của Bộ Y tế về luân chuyển, tăng cường bác sĩ về các bệnh viện tuyến dưới đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, phức tạp mà trước đây chỉ có bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương mới thực hiện được, như: chạy thận nhân tạo, mổ nội soi, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh trong lồng ấp, phẫu thuật kết hợp xương, cắt tạng cấp cứu…
“Năm 2017, Bệnh viện Bắc Hà đã phẫu thuật nội soi ổ bụng cho 200 ca; nội soi tiêu hóa cho gần 200 ca… Qua đó, hàng trăm bệnh nhân là đồng bào nghèo các dân tộc thiểu số trên địa bàn đã được tiếp cận những kỹ thuật điều trị mới mà không phải đi xa, giảm thiểu chi phí điều trị”, bác sĩ Tuấn đưa ra minh chứng.
Cũng trong tháng 7/2017, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương tiếp nhận 02 bác sĩ chính quy tình nguyện về công tác theo Đề án 585 của Bộ Y tế. Theo bác sĩ Phạm Hồng Việt, Giám đốc bệnh viện, ngành Y là ngành đặc thù, để đào tạo được một bác sĩ đòi hỏi rất nhiều yếu tố.
Trong đó, yếu tố con người rất quan trọng, kể cả có tiền cũng không thể có được. Hơn thế đối với các bệnh viện vùng cao như Mường Khương, rất khó để mời gọi các bác sĩ về công tác, bởi điều kiện cơ sở vật chất, tinh thần… còn một khoảng cách rất xa so với vùng xuôi.
“Từ khi bệnh viện được tiếp nhận hai bác sĩ về công tác, đơn vị “quý hơn vàng”, bác sĩ Việt chia sẻ.
Được biết, năm 2017, tỉnh Lào Cai đã có 03 bác sĩ chuyên khoa cấp 1 tình nguyện về công tác tại Bắc Hà và Mường Khương; 62 cán bộ y tế thuộc 4 đơn vị tuyến tỉnh và 16 đơn vị tuyến huyện (8 trung tâm y tế và 8 bệnh viện đa khoa) đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới với thời gian từ 10 ngày đến trên 3 tháng. Trong đó, có nhiều bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, bác sĩ… đi luân phiên, hỗ trợ các trạm y tế vùng sâu, vùng xa khó khăn như Pha Long, Tả Gia Khâu, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương), Bản Phùng, Tả Giàng Phình, Suối Thầu (huyện Sa Pa), Thào Chư Phìn, Nàn Sín, Lử Thẩn (huyện Si Ma Cai),…
Ở các tuyến cơ sở, bên cạnh việc trực tiếp làm công việc chuyên môn, đội ngũ bác sĩ tăng cường còn hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn; chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ y, bác sĩ cơ sở.
Có thể nói, việc thực hiện Đề án 1816 và Đề án 585 của Bộ Y tế đã và đang từng bước giải bài toàn khó lâu nay của các cơ sở y tế các địa phương miền núi đó là “thiếu bác sĩ”. Hiệu quả thấy rõ nhất là người dân, đặc biệt là người dân các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng; kỹ thuật tiên tiến trong việc chăm sóc sức khỏe mà không phải tốn nhiều chi phí đi lại, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
TRỌNG BẢO