Tiếp sức cho người nghèo
Những ngày cuối tháng 11, chúng tôi có dịp theo chân cán bộ xã Phước Đức đến thăm một số thôn ở vùng thuần đồng bào DTTS của xã. Trên con đường bê tông thẳng tắp chạy đến thôn xa nhất của xã, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi dọc đường là những căn nhà mới được dựng lên khang trang, bề thế xung quanh là vườn cây ăn trái xanh mướt.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng thôn 4, xã Phước Đức cho biết: Thôn 4 khoảng hơn 300 hộ dân, chủ yếu là người đồng bào dân tộc Gié Triêng sinh sống. Trong những năm gần đây, nhờ các chính sách hỗ trợ sinh kế của Đảng và Nhà nước, người dân đã biết vươn lên làm kinh tế, không còn trông chờ ỷ lại như những năm trước. Chỉ trong 2 năm qua, nhiều hộ được hỗ trợ từ chính sách đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang.
Để minh chứng cho điều mình nói, ông Dũng dẫn chúng tôi đi thăm một số gia đình được hỗ trợ sinh kế từ Chương trình MTQG 1719. Chỉ tay về phía đầu thôn, ông Dũng cho biết kia là nhà văn hóa đang trong giai đoạn hoàn thiện, với vốn xây dựng từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Còn đàn bò đang ăn cỏ phía ngoài đường bê tông là của các hộ dân được nhận hỗ trợ từ cuối năm ngoái và đầu năm nay.
Gia đình anh Hồ Văn Tiết (SN 1988, ngụ tại thôn 4) trước đây thuộc hộ nghèo. Đầu năm 2023, anh được hỗ trợ 2 con bò giống trị giá hàng chục triệu đồng, nằm trong dự án nuôi bò cái sinh sản cộng đồng của huyện. Sau thời gian chăm sóc, đến nay cặp bò đã phát triển khỏe mạnh, con bò cái đang có dấu hiệu sinh sản. Vợ chồng anh trồng thêm sào cỏ để dưỡng cho cặp bò được xem như cả gia tài của gia đình mình. Trong năm nay, gia đình anh Tiết đã đăng ký thoát nghèo.
Tương tự, vợ chồng anh Hồ Văn Rim (SN 1988, ngụ tại thôn 2) cho biết: Nhờ được hỗ trợ 3 con trâu từ mô hình dự án chăn nuôi trâu sinh sản, gia đình có thêm động lực để phát triển kinh tế. Trước khi được hỗ trợ trâu, anh cũng được tham gia các lớp tập huấn do cán bộ Nông nghiệp của xã tổ chức. “Gia đình tận dụng cây keo trên rẫy về làm chuồng trại, trồng thêm sào cỏ để phòng khi mùa mưa kéo dài. Chúng tôi hy vọng từ số trâu này, kinh tế gia đình sẽ khá hơn”, anh Rim chia sẻ thêm.
Còn chị Hồ Thị Nhép (SN 1983, ngụ tại thôn 4) có hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, một mình chị làm nương rẫy nuôi hai con ăn học. Thấu hiểu điều đó, chính quyền địa phương đã quyết định hỗ trợ cho gia đình 60 triệu đồng từ nguồn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để giúp chị có được căn nhà mới. Không những thế, chị còn được vay vốn chính sách với số tiền 100 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đức cho biết: Nguồn vốn từ các Chương trình MTQG đã góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất trong vấn đề hỗ trợ sinh kế, an cư cho người nghèo. Đồng thời, địa phương cũng đẩy mạnh triển khai xây dựng hạ tầng thiết yếu, nước sạch, tái định cư… cho người dân.
“Trong giai đoạn 2023 – 2024, địa phương đã phân bổ nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để hỗ trợ cho gần 100 hộ nghèo với khoảng 250 con trâu, bò thông qua mô hình dự án chăn nuôi sinh sản cộng đồng. Ngoài ra, trong năm 2024, triển khai Dự án 5 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xã đã hỗ trợ nhà ở cho 61 hộ, trong đó xây mới 31 nhà, sửa chữa 30 nhà”, ông Vũ cho biết.
Nâng cao đời sống cho Nhân dân
Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết: Từ nguồn lực của các chương trình MTQG, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đã được quan tâm đầu tư, diện mạo nông thôn được thay đổi một cách căn bản, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân.
Đặc biệt nguồn kinh phí sự nghiệp đã tập trung giải quyết các yêu cầu bức xúc, thiết thực về đời sống và sản xuất cho Nhân dân. Cũng từ nguồn vốn này đã giúp địa phương từng bước giải quyết nhu cầu thiết thực như sắp xếp, ổn định dân cư, xóa nhà tạm, chuyển đổi nghề, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi… Qua đó, bước đầu giúp người nghèo, đồng bào các DTTS có nhiều thay đổi về nhận thức trong phát triển sản xuất, học nghề, lập nghiệp, xây dựng đời sống nông thôn mới.
Trong năm 2024, tổng kế hoạch vốn (bao gồm cả vốn năm 2022, 2023 chuyển sang) để thực hiện các Chương trình MTQG 1719 là hơn 455 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư hơn 282 tỷ, vốn sự nghiệp là hơn 173 tỷ đồng. Tính đến giữa tháng 11/2024, địa phương đã giải ngân hơn 146 tỷ đồng vốn đầu tư (52%) và 74 tỷ đồng (hơn 43%) để đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, bước đầu đem lại nhiều hiệu quả tích cực.
Từ nguồn vốn trên, huyện Phước Sơn đã triển khai xây dựng hơn 50 công trình mới và 25 công trình chuyển tiếp gồm đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa, cầu cống, sửa chữa trạm y tế… đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.
Địa phương cũng phân bổ gần 15 tỷ đồng từ nguồn lực của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để triển khai 21 dự án hỗ trợ phát triển kinh tế cho hộ nghèo, cận nghèo (hỗ trợ trâu, bò, dê, heo, phân bón..); và gần 4 tỷ đồng để hỗ trợ hộ nghèo về bồn nước, máy tuốt lúa, công cụ hỗ trợ sản xuất. Huyện cũng phân bổ hơn 10 tỷ đồng để hỗ trợ đào tạo nghề và khám, chữa bệnh cho người dân.
Theo ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, bên cạnh việc hỗ trợ sinh kế, địa phương xác định việc hỗ trợ nhà ở cho người dân cũng là một cách giúp địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo. Bởi an cư thì mới lạc nghiệp, do đó địa phương đã huy động lực nguồn vốn từ các chương trình để tập trung xóa nhà tạm cho người dân.
Trong giai đoạn năm 2023-2024, địa phương đã phân bổ tổng cộng hơn 32,5 tỷ đồng đồng để hỗ trợ làm nhà cho 910 hộ dân, trong đó xây mới 494 nhà, sửa chữa 416 nhà. Với mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ xóa khoảng 1.500 nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, cận nghèo, Phước Sơn sẽ tăng cường hơn nữa việc phân bổ các nguồn vốn từ chương trình, đồng thời vận động thêm kinh phí để triển khai thực hiện.
“Các chương trình MTQG có ý rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhất là công tác giảm nghèo. Nhờ triển khai hiệu quả nguồn lực, trong năm 2024, Phước Sơn đã giảm 475 hộ nghèo và 245 hộ cận nghèo so với năm 2023, vượt chỉ tiêu của Chương trình đề ra. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của các Chương trình MTQG; tập trung nguồn lực, đầu tư có hiệu quả các công trình, dự án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; phấn đầu giảm trên 400 hộ nghèo và 155 hộ cận nghèo trong năm 2025…”, ông Trung chia sẻ thêm.