Tuy nhiên, dù đáng xem nhưng Tro tàn rực rỡ được cho là kén khán giả, vì thế khả năng doanh thu của phim là một dấu hỏi chấm…
Ngọn lửa của bi thương và khao khát
Tro tàn rực rỡ xuất hiện như một đốm sáng nổi bật trong giai đoạn phim nội đang bão hòa dịp cuối năm. Bộ phim là tiếng thở dài xót xa cho thân phận những người phụ nữ “chết chìm” trong tình yêu và không thể thoát ra. Ba người phụ nữ, mỗi người một tính cách, nhưng họ có điểm chung là luôn yêu đắm đuối hết mình như lửa đang rực cháy và đến khi chỉ còn là “tro tàn” thì vẫn phải là thứ tro tàn rực rỡ nhất. Niềm khát khao yêu và được yêu đã vượt qua cái nghèo và vượt qua cả những toan tính, ích kỷ của người đàn ông. Nhàn (Phương Anh Đào) yêu quên cả bản thân mình, thậm chí “tiếp tay” cho chồng đốt nhà trong cơn say. Hậu (Bảo Ngọc Doling) làm mọi cách để níu kéo sự chú ý của người chồng hờ hững. Loan (NSƯT Hạnh Thúy) ngờ nghệch theo tiếng gọi trái tim như một đứa trẻ, quyện chút tủi phận của người đàn bà quá lứa.
Dù được chuyển thể từ khoảng 30 trang sách, thế nhưng dấu ấn của Nguyễn Ngọc Tư trong tác phẩm vẫn không thể xóa nhòa. “Đồng hội” với phong cách “chỉ nói khi cần”, nên lời thoại trong Tro tàn rực rỡ được tiết chế đến mức tối đa, các nhân vật gần như im lặng (như Dương, như Khang) hoặc chỉ độc thoại nội tâm (như Hậu)… Phim gồm 3 tuyến truyện của 3 cặp đôi với số phận đan xen. Hậu có tình cảm với Dương (Lê Công Hoàng), nhưng anh lại chưa bao giờ nguôi ngoai tình yêu với Nhàn, bạn học cũ và đã yên bề gia thất bên Tam (Quang Tuấn). Câu chuyện còn lại là về Loan, người đàn bà không được bình thường do sang chấn từ vụ xâm hại lúc còn nhỏ. Thế nhưng, khi kẻ hủy hoại đời mình được ra tù và trở về, Loan lại nảy sinh cảm xúc phức tạp dành cho hắn. Chính những mâu thuẫn này đã đẩy “nút thắt” của phim lên đến đỉnh điểm.
Diễn xuất của dàn diễn viên giàu thực lực là điểm sáng của phim. Bảo Ngọc Doling vào vai Hậu, cô gái miền Tây lanh lợi đến mức “láu cá”, nhưng chất chứa nỗi đau vì sự lạnh nhạt của chồng suốt ngần ấy năm. Từ ánh mắt hằn học phóng vào tình địch, tới cái nhếch môi bí mật với những suy nghĩ tinh ranh, nhưng rồi lại thay đổi, Phương Anh Đào đã thể hiện tròn vai Nhàn vốn là hình mẫu phụ nữ miền Tây đáng mơ ước. Nhân vật Dương cũng là vai diễn đặc biệt đối với Lê Công Hoàng, gần như không có thoại, tất cả cảm xúc nhân vật đều được thể hiện qua cử chỉ và nét mặt, thế nhưng anh đã khắc họa được rõ nét hình ảnh của một người chồng vô tâm. Còn đối với NSƯT Hạnh Thúy, diễn vai khùng là thử thách. Thế nhưng là một lão làng trong nghề, cô khiến vai Loan “không tỉnh” trở nên thật đơn giản. Đây là nhân vật thuộc tuyến truyện phụ nhưng chất chứa tâm tính phức tạp, đồng thời truyền tải nhiều thông điệp tích cực đến người xem.
Ðiểm sáng đáng ghi nhận tiếp theo của phim chính là sự tái hiện thành công bối cảnh sông nước miền Tây và đời sống thường nhật của người dân thôn quê. Từ đám cưới rước dâu bằng ghe xuồng, đánh bắt cá, đốt than, làm chuối ép đến cảnh đóng đáy hàng khơi… đều được quay dựng chỉn chu, chi tiết. Được biết, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã phải mất 2 năm để hoàn thiện kịch bản cùng với nhiều năm dài chuẩn bị. Anh đã sống cùng người dân bản địa, học cách ăn, cách nói, cách làm của họ để phim đạt được chất miền Tây nhất. Cùng với đó, âm nhạc đã được sử dụng khéo léo, đẩy cảm xúc người xem trôi theo thân phận của mỗi người đàn bà trong tác phẩm. Đặc biệt, đoạn kết giàu sức gợi, khán giả có cơ hội tự diễn giải tương lai cho nhân vật. Lửa trong phim chất chứa bi thương lẫn khao khát được yêu thương của những người phụ nữ. Họ cháy hết mình với tình yêu và không bao giờ bỏ cuộc, để lại “tro tàn rực rỡ”.
… nhưng khó “kéo” khán giả
Dù được sự ủng hộ tuyệt đối của giới chuyên môn cùng nhiều giải thưởng danh giá, tuy nhiên việc trở thành một bộ phim điện ảnh mang tính thương mại thì không hề đơn giản. Với lời quảng bá mà phía sản xuất đang PR: “Ngôn ngữ điện ảnh độc đáo, phim là cái nhìn rất “tình” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vào cái “tình” của người phụ nữ, tôn vinh những xúc cảm thiêng liêng của phái nữ”, liệu Tro tàn rực rỡ có thể thu hút được đông đảo khán giả?
Rõ ràng, với lối kể chậm rãi, chuyện phim khó hợp với thị hiếu chung, đặc biệt là khán giả trẻ. Bên cạnh những điểm cộng, thì phim không phải không có điểm trừ. Vì quá bám sát cốt truyện nhưng lại không đủ “vốn từ” để diễn đạt, nên một vài hành động của nhân vật thành ra khó hiểu. Đơn cử như nhân vật Tam (Quang Tuấn), cái cớ đốt nhà của anh chàng vẫn chưa đủ thuyết phục người xem và tính cách nhân vật vẫn chưa được bộc lộ rõ ràng như trong truyện. Với kịch bản có phần phức tạp gồm 3 tuyến nhân vật và 2 cốt truyện chính, dường như những đoạn chuyển cảnh được thực hiện hơi vội, khiến cho cảm xúc bị ngắt mạch, rời rạc. Tro tàn rực rỡ sẽ hay hơn nếu phần thoại của phim “đời” hơn, Nam Bộ hơn. Xem tác phẩm, khán giả cảm giác một số câu thoại nặng văn viết hơn là lối nói ngang tàng, phóng khoáng của người miền Tây. Cách dẫn chuyện của nữ diễn viên trẻ tuổi Bảo Ngọc Doling vẫn còn khá gượng gạo, do đó không thuyết phục được người xem. Rõ ràng, bộ phim sẽ phù hợp hơn với những khán giả có sự “trải đời” hơn là với những người trẻ.
Thế nhưng, như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ, bộ phim thai nghén gần 10 năm trời của Bùi Thạc Chuyên đã thể hiện được cái xương cái thịt ở chiều kích thứ ba mà văn chương của chị vẫn chưa làm được. Với kịch bản tốt, dàn diễn viên ấn tượng cùng phong cách độc đáo của đạo diễn, Tro tàn rực rỡ thực sự là tác phẩm đáng xem. Dù không phải là “gu” của đông đảo khán giả hiện nay, thế nhưng, để điện ảnh Việt Nam có sự chuyển biến tích cực và không còn hiện trạng “mì ăn liền”, thì những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật cao như Tro tàn rực rỡ thật sự rất đáng hoan nghênh.