Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm nay có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tăng hơn 5.000. Dự kiến, 81.200 học sinh sẽ được tuyển vào trường THPT công lập (chiếm hơn 60%, tương tự năm 2023), 29.100 em học tư thục (21,5%), còn lại vào trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường nghề.
Học sinh không trúng tuyển vào các trường THPT công lập có thể học trường tư thục, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trường THPT trực thuộc trường đại học trên địa bàn…
Hà Nội cho phép các trường tư thục xét tuyển lớp 10 bằng phương thức xét học bạ ngay sau khi kết thúc năm học 2023-2024. Các trường tư thục, trường công lập tự chủ có thể đồng thời xét tuyển bằng học bạ và điểm thi của kỳ thi chung.
Đây cũng là kỳ thi vào lớp 10 cuối cùng đối với lứa học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. Từ năm học 2025-2026, kỳ thi sẽ theo nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Theo phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025 các trường trung học phổ thông công lập của thành phố Hà Nội là thi tuyển với 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Môn Toán và Ngữ văn có thời gian làm bài trong 120 phút/môn, theo hình thức tự luận; bài thi môn Ngoại ngữ trong 60 phút (thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn) theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Thời gian tổ chức kỳ thi cụ thể như sau:
Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Đề thi môn toán và ngữ văn đảm bảo 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đề thi ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và một cố câu ở cấp độ vận dụng.
Mức độ yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của đề thi được tinh giản phù hợp với thời gian, đảm bảo theo đúng hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học tại các văn bản của Bộ GD&ĐT và các văn bản của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3. Trong đó, NV1, NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi NV dự tuyển sau khi đã đăng ký.
Học sinh trúng tuyển NV1 không được xét tuyển NV2, NV3. Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1 điểm. Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2 điểm.
Khi hạ điểm chuẩn, cho phép nhận học sinh có NV2, NV3 đủ điều kiện trúng tuyển. Học sinh trúng tuyển xác nhận nhập học vào trường (trực tuyến hoặc trực tiếp) từ ngày 10/7 đến ngày 12/7. Các em nộp hồ sơ nhập học tại trường THPT và trường THPT tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu (nếu có) từ ngày 19/7 đến ngày 22/7.
Ngoài ra, năm 2024 sẽ triển khai vòng sơ tuyển ở thi chuyên vào các trường THPT Hà Nội- Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, Chu Văn An và THPT Sơn Tây căn cứ vào các tiêu chí và được đánh giá bằng điểm số như sau:
Thứ nhất: Kết quả tham gia các hoạt động xã hội, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của tỉnh, toàn quốc, khu vực và quốc tế. Điểm cho mỗi giải được tính như sau: Giải nhất được 5 điểm, giải nhì được 4 điểm, giải 3 được 3 điểm, giải khuyến khích được 2 điểm.
Thứ 2: Xếp loại học lực 4 năm cấp THCS, mỗi năm xếp loại học lực giỏi được 3 điểm, học lực khá được 2 điểm.
Kết quả tốt nghiệp THCS: Tốt nghiệp loại giỏi được 3 điểm, loại khá được 2 điểm. Điểm sơ tuyển= điểm thi học sinh giỏi, tài năng+ điểm xếp loại học lực 4 năm cấp THCS+ điểm kết quả tốt nghiệp THCS. Thí sinh được chọn vào thi tuyển vòng 2 là những em đặt điểm sơ tuyển từ 10 trở lên.
Môn thi: Thí sinh thi 3 bài thi trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên và bài thi môn chuyên theo nguyện vọng. Các bài thi không chuyên tính hệ số 1, bài thi môn chuyên tính hệ số 2.