Chạy đua vào trường công lập ở các thành phố lớn
TP. Hồ Chí Minh có khoảng 96.000 thí sinh dự thi lớp 10. Nhưng các trường THPT công lập trên địa bàn Thành phố chỉ tuyển 70% trong số này. Như vậy, khoảng 20.000 học sinh không vào được trường công lập trong năm nay.
Tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố điểm thi lớp 10 của hơn 104.000 học sinh và điểm chuẩn các trường THPT công lập. Với 72.000 chỉ tiêu, số học sinh trượt trường công lập là gần 32.000.
Năm nay, điểm chuẩn nhiều trường công lập Hà Nội tăng mạnh, khiến học sinh trượt vì không lường trước được thực tế. Ví dụ, Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) lấy điểm chuẩn cao nhất ở khối không chuyên với 44,5 điểm, tăng 1,25 điểm so với năm ngoái. Tiếp theo, Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) lấy 43,25, tăng 2 điểm so với năm 2022, từ hạng 11 năm ngoái lên thứ 7 năm nay.
0h38 ngày 5/7, hơn 100 phụ huynh vây kín cổng Trường THPT Hoàng Cầu. Nhiều người trong số họ đã có mặt ở đây từ lúc 19h tối 4/7, mang theo ghế nhựa và nước uống, xuyên đêm xếp "lốt" chờ trời sáng để nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con, cháu.
Hơn 8 giờ sáng nay, Trường THPT Phan Huy Chú đăng thông báo dừng tuyển sinh lớp 10, vì đã nhận đủ chỉ tiêu. Phía bên ngoài vẫn còn khoảng hơn 200 phụ huynh không có số. Thậm chí, một số người còn bật khóc vì không nộp được hồ sơ. Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa là trường công lập tự chủ, thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội, được tuyển sinh theo đề án riêng. Trường năm nay tuyển 380 học sinh, trước đợt này đã có một đợt xét bằng học bạ. Với thí sinh nộp theo điểm thi của Sở (Toán, Văn nhân hệ số 2 cộng điểm tiếng Anh), trường lấy 41/50 điểm.
Tìm suất vào lớp 10 cho con đang là câu chuyện nóng hơn bao giờ hết tại Hà Nội những ngày gần đây. Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội thừa nhận tình trạng này, năm nay, càng diễn ra căng thẳng hơn.
Điểm chuẩn của một số địa phương rất thấp
Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023 - 2024 vừa qua, một số địa phương có điểm thi rất thấp. Tại Quảng Bình, có tới 500 bài thi chỉ được 1 - 2 điểm. Hay tại TP. Hồ Chí Minh, theo thống kê của Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, riêng môn Toán có 45,99% thí sinh điểm dưới trung bình.
Tại Khánh Hòa, một số trường lấy điểm chuẩn khá thấp như: Trường THPT Tôn Đức Thắng (8 điểm), Trường THPT Tô Văn Ơn (12 điểm), Trường THPT Nguyễn Huệ (12,75 điểm). Tại Cần Thơ, nhiều trường cũng lấy điểm chuẩn ở mức trung bình dưới 3 điểm/môn như THPT Giai Xuân 2 điểm/môn; THCS &THPT Thạnh Thắng 2,04 điểm/môn; THCS & THPT Thới Thạnh 2,05 điểm/môn.
Vấn đề đặt ra là, chất lượng dạy học ở các trường THCS hiện nay. Liệu có phải do đề thi quá khó hay việc đánh giá ở bậc THCS ở một số trường của một vài địa phương chưa được chặt chẽ, chính xác?
Trong khi đó, điều kiện dự thi tuyển vào lớp 10 công lập là học sinh phải tốt nghiệp THCS, nghĩa là các em học sinh lớp 9 phải xếp loại học lực từ mức trung bình trở lên mới được xét công nhận tốt nghiệp THCS.
Theo ý kiến của nhiều giáo viên, sau kỳ thi tuyển sinh, Sở GD&ĐT các địa phương cũng cần có thống kê, phân tích điểm thi vào lớp 10, đối sánh với chất lượng bộ môn, để nắm được chất lượng giáo dục ở khối 9 của từng trường, ít nhất là 3 môn thi vào lớp 10 Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh nằm ở mức nào, để giúp thầy cô có giải pháp, phương pháp giảng dạy phù hợp cho từng đối tượng học sinh lớp 9, trước khi tham dự kì thi tuyển đầy cam go, thử thách.
Ngoài vấn đề điểm số, nhiều phụ huynh, thầy cô bậc THPT cũng rất tâm tư, liệu số học sinh đỗ vào lớp 10 với điểm chuẩn thấp, có đủ năng lực tiếp thu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hay không? Và đối với số học sinh này, nhà trường cần có kế hoạch dạy học bồi dưỡng như thế nào, để các em không bị bỏ lại phía sau, trong lớp học ở cấp THPT?
Ts. Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội chia sẻ, cách định hướng tương lai cho học sinh hiện nay chủ yếu là học xong lớp 9 THCS, thì phải thi được vào một trường THPT công lập tốt; rồi sau khi học xong lớp 12 thì phải trúng tuyển được một trường đại học Top đầu, danh tiếng. Cách định hướng này, có thể đúng ở góc độ cầu thị, hiếu học.
Theo Ts. Đồng Văn Ngọc, sự thành công không nằm ở bậc học mà nằm ở năng lực của mỗi người. Do vậy, việc tư vấn, hướng nghiệp cần phải thực tế hơn, cụ thể hơn, trải nghiệm nhiều hơn như tăng cường trải nghiệm nghề nghiệp, thăm quan trường học, thậm chí là học thử… Từ đó, sẽ giúp các em nhận ra được năng lực, sở trường, đam mê và tìm ra cho mình con đường đi. Nhà trường, gia đình và xã hội cùng đồng hành để giúp các em chọn con đường đi phù hợp nhất.