Vùng Trường Sơn-Tây Nguyên là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số anh em. Núi rừng nơi đây có nhiều mây, tre, nứa, lồ ô và các loại thảo mộc có thể khai thác làm nguyên liệu để duy trì nghề thủ công truyền thống, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như làm quà lưu niệm. Trong số đó, vật dụng phổ biến và hữu dụng nhất của đồng bào là chiếc gùi, đặc biệt là gùi 3 ngăn dành cho nam giới, được xem là “ba lô” của trai làng.
Từ xa xưa, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã gắn bó với chiếc gùi. Gùi gắn liền với đời sống sinh hoạt, lao động của đồng bào nơi đây, tạo thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên và được duy trì bền bỉ cho đến nay.
Chiếc Gùi trong văn hóa của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và của người Jrai tại Gia Lai nói riêng - không chỉ là đồ vật sử dụng trong cuộc sống hằng ngày như đựng thức ăn lên nương rẫy, đi chợ, đựng bầu đi lấy nước mà còn là một trong những tác phẩm nghệ thuật được trang trí nhiều hoa văn, thể hiện đôi bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ, gửi gắm bao tâm tư tình cảm của người làm ra nó.
Gùi là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt đời thường của người Cơ-tu. Các loại dụng cụ như zoọng, tà léc, rê, chuy, cà vông (cà lông)… là những dụng cụ dùng để gùi (mang) nông , lâm, sản, quà biếu… rất độc đáo và gắn liền với truyền thống văn hóa, bao đời của đồng bào.