Ông Diệp Năng Thông (bên trái) với tác giả tại nhà riêng của ông ở thành phố Pleiku. Ảnh Xuân HiềnNghệ nhân Diệp Năng Thông: vốn là thợ may nhưng có chút năng khiếu hội họa. Hơn 40 năm trước, khi vô tình đọc một bài báo về việc ghép giấy màu thành tranh ở Nhật Bản, ông nghĩ: “Người Nhật làm được thì người Việt cũng làm được.” Niềm đam mê tranh xé giấy cứ thôi thúc ông từ đó.
Đôi ba lần ông tạm gác việc may vá để thử làm tranh, nhưng chưa thực hiện được vì còn bao bộn bề lo toan. Hơn 20 năm trước, khi các con đã trưởng thành, ông mới bắt đầu thực hiện niềm đam mê đã ấp ủ từ lâu. Ngày ngày, ông lên gác lửng của nhà ngồi xé xé, dán dán và tích lũy kinh nghiệm.
Sau 11 năm ròng rã, ngày 22/12/2007, ông sáng tác bức tranh đầu tiên để tặng con trai trưởng. Để hoàn thiện bức tranh, ông đã miệt mài với đống giấy vụn, lịch cũ trong 28 ngày, tỉ mẩn tìm đủ 2.008 góc màu phù hợp để xé dán thành một bức tranh hoàn chỉnh.
Tác phẩm "Thôn nữ"- tranh xé giấy của Diệp Năng ThôngTác phẩm tranh xé giấy đầu tay của nghệ nhân Diệp Năng Toàn là cảnh sơn thủy hữu tình trên nền thảo nguyên xanh biếc. Nhân vật chính là hai con hổ, một con ngựa non và một chú cún con. Thoạt nhìn, người xem không hiểu các nhân vật này có liên quan gì với nhau, nhưng khi được ông giải thích, mọi người mới vỡ lẽ: Đây là những con giáp tuổi của các thành viên trong gia đình con trai trưởng. Ông đã khéo léo sắp đặt các con giáp thành một gia đình hạnh phúc.
Tại nhà các con ông ở phố núi Pleiku, những bức tranh của ông treo trang trọng trong phòng khách. Bức tranh “Vạn Lý Trường Thành” là tác phẩm sống động về một trong những kỳ quan thế giới hoành tráng. Thấp thoáng trong lòng bức tường thành hùng vĩ là hình ảnh ông Thông và người vợ già dắt nhau cùng đi trên Vạn Lý Trường Thành, như thể họ đã cùng nhau vượt qua một chặng đường dài từ khi kết hôn cho đến nay.
Tác phẩm "Quê ngoại"- tranh xé giấy của Diệp Năng ThôngMột điều đặc biệt là nhiều tác phẩm về quê hương ông sáng tác hoàn toàn bằng trí nhớ nhưng chính xác đến kinh ngạc. Những bức tranh như “Quê ngoại” tái hiện quê hương ông ở thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Khi ngắm nhìn tác phẩm này, người quê Chánh Mẫn lại thấy nó giống nơi mình từng sống đến kỳ lạ.
Đó là những ngôi nhà tranh nhỏ nhắn, xinh xắn trong khói lam chiều, những người mẹ hiền đang tảo tần một nắng hai sương trên cánh đồng lúa vàng ươm. Xa xa là ngọn núi Mò O với 2 đỉnh nhô lên giống một người ngửa miệng lên trời. Từng đường nét trong tranh có cảm giác như được chụp bằng máy ảnh chứ không phải bằng giấy xé.
Các tác phẩm khác như: “Cô gái sông Hương,” “Tình yêu Tây Nguyên,” “Gò Găng”... vô cùng sống động, cuốn hút, khiến người xem không thể rời mắt. Dưới bàn tay khéo léo của ông, những mảnh giấy vụn vô tri bỗng trở thành những bức tranh tuyệt đẹp, đầy sức sống.
Tác phẩm “Tây Nguyên” - Tranh xé giấy của Diệp Năng ThôngÔng Thông cho biết, trung bình mỗi bức tranh cần khoảng nửa tháng để hoàn thành. Mỗi ngày, ông dành khoảng 2 giờ làm việc, có khi bất kể thời gian nào trong ngày. Cứ khi nào có hứng thú, ông bắt tay vào làm, còn khi mệt mỏi thì nghỉ ngay tại chỗ. Ông cho rằng, công việc này đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và chút tài năng nghệ sĩ. Nhiều khi dán xong, thấy chưa vừa ý, ông lại gỡ ra làm lại cho đến khi thật sự ưng ý.
Dù không có mục đích kinh doanh, ông Thông vẫn thu hút nhiều người tìm đến đặt mua tranh. Vị khách hàng đầu tiên là bác sĩ Mai Trung Giáo. Ông Thông đã tặng bác sĩ Giáo một bức tranh "Cô gái Huế," và sau khi chia sẻ bức tranh trên trang cá nhân, bạn bè của ông Giáo ở Pháp rất thích thú và muốn sở hữu những tác phẩm độc đáo này. Họ đã đặt mua 10 bức tranh để tặng bạn bè bên Pháp.
Tác phẩm "Chờ mẹ "- Tranh xé giấy của Diệp Năng ThôngCác bức tranh của ông Thông khi được con cháu mang vào TP. Hồ Chí Minh đã lọt vào mắt của những người kinh doanh tranh chuyên nghiệp. Họ đánh giá cao các tác phẩm xé giấy của ông. Cuối năm 2023, một ekip đã đến nhà ông để chụp ảnh, quay phim và số hóa toàn bộ các bức tranh còn lại. Họ cũng thương lượng mua bản quyền để kinh doanh trên nền tảng số NFT, nhưng ông Thông chưa đồng ý.
Hiện nay, gia đình ông Thông vẫn lưu giữ khoảng 20 bức tranh xé giấy độc nhất vô nhị. Tuy nhiên, công chúng tại Pleiku vẫn chưa được biết đến những tác phẩm này. Hy vọng trong tương lai, những bức tranh của ông sẽ được nhiều người biết đến.