Hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện trên tinh thần khách quan, công bằng, công khai, chỉ ra những bất cập, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG); hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các chương trình MTQG; bảo đảm thực hiện trách nhiệm, trình tự, cách thức thực hiện giám sát, đánh giá Chương trình theo quy định tại Chương VII, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ. Những nội dung vượt thẩm quyền, đơn vị liên quan tổng hợp, báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế.
Hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan, không trùng lặp, chồng chéo với các hoạt động kiểm tra, giám sát khác thuộc phạm vi, quyền hạn của các cơ quan đã được pháp luật quy định. Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá được thực hiện thường xuyên theo định kỳ hoặc đột xuất đảm bảo thời gian, nội dung theo quy định.
Theo kế hoạch, các nội dung thực hiện giám sát việc tổng hợp tình hình thực hiện các chương trình MTQG tiến độ thực hiện mục tiêu của từng chương trình; thực hiện kế hoạch vốn chương trình MTQG (vốn đầu tư, kinh phí sự nghiệp), giải ngân. Kiểm tra việc chấp hành quy định trong quản lý, tổ chức thực hiện, lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án của các đơn vị trực tiếp thực hiện. Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chế độ báo cáo giám sát, đánh giá của các cơ quan, đơn vị theo quy định; xử lý các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước/Thanh tra (nếu có) đối với các nội dung có liên quan đến các chương trình MTQG.
Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện định kỳ vào giữa năm và cuối năm. Địa điểm kiểm tra tại UBND các huyện, thành phố và kiểm tra thực tế một số công trình tại các xã.