Năm 2010, từ nguồn vốn Chương trình 135, bà Dung được hỗ trợ 1 con trâu giống. Sau thời gian tập trung tìm hiểu cách chăn nuôi, đến nay với đàn trâu 5 con đã cho gia đình bà thêm thu nhập từ việc bán trâu và cho thuê sức kéo.
Bà Dung chia sẻ: “Với nguồn thu nhập thêm, tôi đã đầu tư nuôi thêm dê, gà từ đó đã thoát nghèo. Cái được lớn nhất khi tham gia các dự án phát triển sản xuất từ nguồn vốn hỗ trợ Chương trình 135 đã giúp chúng tôi thay đổi hẳn tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ chuyển sang đầu tư theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung”.
Ông Hoàng Khắc Bông, Phó Chủ tịch UBND xã Bằng Cốc cho biết, Bằng Cốc là xã đặc biệt khó khăn của huyện Hàm Yên với 7/9 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn khoảng 60% số dân trong xã. Thời gian qua, nhờ nguồn vốn Chương trình 135, xã được hỗ trợ gần 1 tỷ đồng để mua cây, con giống, hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hộ nghèo.
Đối với huyện Hàm Yên để giúp người dân giảm nghèo bền vững, huyện đã và đang tiếp tục hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ theo bộ tiêu chí nông thôn mới; đặc biệt ưu tiên các xã, thôn, bản có tỷ lệ nghèo cao. Từ các nguồn vốn đầu tư, huyện đã triển khai đầu tư xây dựng mới 92 công trình, với tổng mức đầu tư trên 113 tỷ đồng. Nhân dân các dân tộc trong huyện đã đồng sức đồng lòng thực hiện kiên cố hóa 22,3km kênh mương, 16,65km đường giao thông nội đồng...
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong năm 2017, toàn huyện đã giảm 1.685 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 28,47% xuống còn 23,34%.
Ông Đỗ Đức Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, trong thời gian tới, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, địa phương còn thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế đối với những vùng thuộc diện khó khăn.
Bên cạnh đó, huyện còn tập trung xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp gắn với tiềm năng, lợi thế ở mỗi vùng, nhằm từng bước nâng cao đời sống người dân, góp phần đẩy nhanh quá trình giảm nghèo ở địa phương.
HOÀNG QUÝ