Giải ngân chậm
Ngay từ đầu năm, kế hoạch triển khai hợp phần hỗ trợ PTSX thuộc Chương trình 135 (CT135) đã được các địa phương xây dựng, lập dự án, đề án cụ thể. Nhưng đến thời điểm này, nhiều địa phương trên cả nước vẫn chưa giải ngân, hoặc giải ngân rất nhỏ giọt.
Như Gia Lai, năm 2019, các huyện thị xã trên địa bàn được UBND tỉnh bố trí hơn 32,1 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương là gần 29,2 tỷ đồng) để phân bổ cho 65 xã khu vực III và 238 thôn đặc biệt khó khăn thực hiện hợp phần hỗ trợ sản xuất. Nhưng hết tháng 6/2019, theo Báo cáo số 546/BC-BDT ngày 02/7/2019 về kết quả thực hiện CT135 6 tháng đầu năm của Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai thì tỷ lệ giải ngân vốn của các địa phương chỉ là 0%.
Đến tháng 8/2019, tình hình giải ngân vốn hỗ trợ PTSX thuộc CT135 trên địa bàn Gia Lai cũng không mấy khả quan. Vì vậy, ngày 16/8/2019, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đã phải ban hành Công văn số 687/BDT-CSKH gửi các địa phương, trong đó đề nghị UBND các huyện, thị xã tập trung triển khai kế hoạch hỗ trợ PTSX đã được UBND tỉnh phê duyệt, phân bổ vốn; bảo đảm đến ngày 30/9/2019 phải đạt tỷ lệ giải ngân 70%.
Đây không phải là năm đầu tiên Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai phải nhắc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn hỗ trợ PTSX thuộc CT135. Trước đó, năm 2018, Gia Lai cũng được phân bổ hơn 30,1 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ PTSX từ CT135; nhưng trong 6 tháng đầu năm, số vốn giải ngân chỉ được 8,5 tỷ đồng.
Không chỉ riêng Gia Lai mà việc giải ngân vốn hỗ trợ PTSX thuộc CT135 ở hầu hết các địa phương đều không đạt tiến độ đề ra. Như tỉnh Cao Bằng, năm 2019, vốn hỗ trợ PTSX được phân bổ hơn 153,26 tỷ đồng; nhưng hết tháng 7/2019 mới chỉ giải ngân được hơn 3 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân là 1,98%...
Nhiều hệ lụy
Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn hỗ trợ PTSX từ CT135 ở nhiều địa phương rất ì ạch nhưng năm nào cũng vậy, đến hết năm thì tỷ lệ giải ngân đều đạt 100%. Đó là vì, vào những tháng cuối năm, các địa phương “chạy nước rút” để giải ngân vốn cho các dự án, đề án.
Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những tình huống “dở khóc, dở cười”. Do vốn hỗ trợ ồ ạt giải ngân vào cuối năm nên người dân nhận giống cây trồng khi mùa vụ đã qua; hoặc nhận con giống vào thời điểm rét buốt, vật nuôi khó sinh trưởng, phát triển, thậm chí chết.
Cũng cần phải nói thêm là, vào thời điểm cuối năm, không chỉ vốn hỗ trợ PTSX mà các nguồn vốn khác cũng được các địa phương cấp tập giải ngân để đạt yêu cầu tiến độ. Điều này khiến cho công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện dự án, đề án hỗ trợ nhiều nơi bị buông lỏng.
Vì đâu nên nỗi?
Tình trạng đầu năm “ngâm vốn”, cuối năm lo “chạy” giải ngân là điệp khúc trong nhiều năm nay ở nhiều địa phương triển khai hỗ trợ PTSX thuộc CT135. Điều này một phần xuất phát từ việc địa phương (cấp tỉnh) chậm phân khai vốn từ ngân sách Trung ương phân bổ.
Như Gia Lai, ngày 11/1/2019, Ban Dân tộc tỉnh đã có Công văn số 28/BDT-CSKH về xây dựng dự toán để thực hiện hợp phần hỗ trợ PTSX thuộc CT135 năm 2019. Nhưng 2 tháng sau, ngày 07/3/2019, UBND tỉnh Gia Lai mới có Quyết định số 113/QĐ-UBND giao chỉ tiêu kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện.
Sau đó, Ban Dân tộc tỉnh mới có các văn bản gửi các địa phương xây dựng các dự án, đề án để thẩm định, phê duyệt. Theo Báo cáo số 429/BC-BDT ngày 3/6/2019 của Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai thì đến hết tháng 5/2019, các huyện, thị xã trên địa bàn vẫn đang chỉ đạo các xã chọn hộ, lựa chọn hạng mục để hỗ trợ. Do đó, vốn giải ngân bị “ngâm” là điều dễ hiểu.
Ngoài ra, các địa phương triển khai hỗ trợ PTSX lúng túng trong quá trình lựa chọn hạng mục nên thường phải điều chỉnh, khiến tiến độ giải ngân vốn bị chậm lại. Ở Gia Lai, trong tháng 7/2019, Ban Dân tộc tỉnh đã phải đề xuất với UBND tỉnh điều chỉnh quy mô, năng lực thiết kế nhiều dự án, đề án hỗ trợ PTSX của 6 huyện trên địa bàn do không đảm bảo yêu cầu đề ra.
Những “điểm nghẽn” nêu trên đang làm cho dòng vốn hỗ trợ sinh kế cho đồng bào DTTS nghèo sinh sống ở những địa bàn đặc biệt khó khăn bị “ách tắc”. Trong khi người dân ở vùng đồng bào DTTS, miền núi còn gặp nhiều khó khăn, các cấp, các ngành cần phải cùng vào cuộc tháo gỡ vướng mắc, nâng cao trách nhiệm để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này.
SỸ HÀO