Trong kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và trên cơ sở thông báo điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, Premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máu lọc dầu trong nước về đến cảng của Bộ Tài chính, Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định: Tiếp tục không trích Quỹ bình ổn giá (BOG) đối với 2 mặt hàng xăng, giữ nguyên mức trích Quỹ BOG đối với 2 mặt hàng dầu hỏa và dầu Diezen, ngừng trích lập quỹ BOG đối với mặt hàng dầu Mazut (kỳ trước trích lập ở mức 200 đồng/kg); tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92: Không cao hơn 22.542 đồng/lít (giảm 327 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 901 đồng/lít; Xăng RON95-III: Không cao hơn 23.443 đồng/lít (giảm 324 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu Diezen 0.05S: Không cao hơn 20.806 đồng/lít (giảm 756 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); dầu hỏa: Không cao hơn 20.846 đồng/lít (giảm 748 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu Mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 14.251 đồng/kg (tăng 615 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành.
Liên quan đến công thức giá và phương thức điều hành giá xăng dầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện giá xăng dầu được điều hành theo giá cơ sở. Giá cơ sở được xác định dựa trên các yếu tố hình thành giá tổng hợp từ các nguồn xăng dầu sản xuất trong nước, nhập khẩu; làm căn cứ để cơ quan nhà nước xác định giá điều hành, là căn cứ cho việc quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Hiện nay các bộ ngành liên quan vẫn đang góp ý để lựa chọn phương thức điều hành giá xăng dầu.
Trong khi các cơ quan quản lý chưa đưa ra được những điều chỉnh cần thiết về cơ chế điều hành thì các doanh nghiệp bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm khiến họ không có động lực để kinh doanh, dẫn đến việc phải giảm bán hàng, đóng cửa. Ở góc độ nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mấu chốt của câu chuyện này nằm ở cơ chế điều hành giá bán lẻ xăng dầu.
Với cách thiết kế quy định như hiện nay, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí thì khoản âm này chủ yếu sẽ đổ vào doanh nghiệp bán lẻ, vì doanh nghiệp bán buôn có quyền chủ động giá và không bị xử phạt khi ngừng bán hàng.
Khuyến nghị về điều hành giá xăng dầu, các chuyên gia kinh tế hướng đến hai giải pháp. Một là bỏ cơ chế Nhà nước định giá bán lẻ xăng dầu như hiện nay, tự do hóa để thị trường định giá theo quan hệ cung cầu, gắn thị trường xăng dầu trong nước với thị trường xăng dầu quốc tế. Thứ hai, trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ, cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.