Trụ cột của buôn làngTây Nguyên là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa với 47 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 35% tổng số dân, có 12 dân tộc thiểu số tại chỗ với rất nhiều đặc trưng, sắc thái văn hóa riêng. Toàn khu vực có khoảng 3.000 già làng. Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, tiếng nói của già làng rất có uy tín, là cán cân để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng. “Già làng nói dân làng nghe, già làng hô dân làng hưởng ứng, già làng làm dân làng làm theo”. Già làng chính là trụ cột trong quá trình xây dựng và phát triển buôn làng.
Bất kể chuyện lớn nhỏ trong buôn, từ trộm gà, mất lợn, tranh chấp đất đai, vợ chồng cãi nhau, con cái vô lễ với cha mẹ,… người dân buôn Adrơng Ea Brơ, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk, Đăk Lăk đều tìm đến già làng Y Trí Mlô nhờ phân xử. Không chỉ thuộc làu hương ước, luật tục của người Ê-đê, già làng Y Trí còn có uy tín, tài đức và khả năng ăn nói thuyết phục nên người dân trong vùng rất kính nể. “Xử kiện không đơn thuần chỉ dùng quyền uy mà cần nhất là cái tâm, cái tình. Tôi vẫn căn cứ vào hương ước để phân xử nhưng phải làm sao cho có lý có tình, đúng pháp luật, đôi khi cần sự cảm thông để người phạm lỗi còn cơ hội sửa chữa sai lầm”, già Y Trí chia sẻ. Nhờ đó mà tình hình an ninh trật tự tại buôn được đảm bảo, đóng góp quan trọng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa phương.
Không chỉ làm cán cân công lý, nhiều già làng còn giúp bà con biết cách làm ăn, bớt đi cái nghèo, ổn định cuộc sống, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Để có con đường bê tông đẹp trải dài từ đầu đến cuối buôn, trường học khang trang và điện thắp sáng, những năm qua, già làng Y Nghinh Byă ở buôn Khanh, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk đã phải kiên nhẫn đến từng gia đình vận động tham gia đóng góp ngày công, hiến đất làm đường, đóng góp tiền của xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. “Để vận động đồng bào tham gia xây dựng nông thôn mới hiệu quả, chúng tôi phải phân tích để họ thấy được lợi ích mà nông thôn mới mang lại, không chỉ mình sử dụng mà con em được hưởng lợi. Hơn hết, chúng tôi phải là những người đi đầu để bà con hưởng ứng làm theo”, già Y Nghinh chia sẻ.
Làm “con chim đầu đàn” nơi biên viễn, trọng trách của già làng Siu Phyin ở làng Goòng, xã Ia Púch, huyện Chư Prông, Gia Lai càng nặng nề hơn. Ở vùng biên giới xa xôi, đời sống khó khăn, đồng bào còn nhiều hủ tục lạc hậu, già Phyin phải đến từng nhà trò chuyện, động viên bà con từ bỏ hủ tục, mê tín dị đoan, tập trung lao động sản xuất. Cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ia Púch thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe, không tin theo lời kẻ xấu và nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ biên giới. Những chuyện khó giải quyết trong buôn, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng lại nhờ già Phyin ra tay. “Mỗi người phải có cách tuyên truyền, vận động khác, với người cá biệt phải kiên trì thường xuyên gặp gỡ, vận động theo kiểu mưa dầm thấm lâu, từng bước uốn nắn chứ không thể nói ngày một, ngày hai mà được”, già Phyin nói.
Ngoài ra, già làng còn là những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc.
Phát huy vai trò già làng trong vùng DTTS
Các già làng đã trở thành tấm gương sáng, làm việc hết mình, thực sự là chỗ dựa tinh thần cho bà con trong buôn làng. Vì vậy, xuất hiện ngày càng nhiều các cá nhân già làng, tập thể tiêu biểu trong vùng DTTS.
Ông Điểu Mưu, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương II (Ủy ban Dân tộc) đánh giá: Trong 10 năm thực hiện Quyết tâm thư, Già làng thể hiện vai trò nòng cốt là cầu nối để truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến đồng bào DTTS, hạt nhân quan trọng gắn kết đồng bào các dân tộc, góp phần giữ vững chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên. Giúp bà con các thôn, buôn hình thành nên ý thức bảo vệ môi trường, chăn nuôi có chuồng trại, xây dựng và sử dụng các công trình sinh hoạt hợp vệ sinh, tuyên truyền cho con cháu trong thôn, buôn giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Nhờ đó, tình hình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS phát triển nhanh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện.
Đến nay, diện mạo các buôn làng DTTS đổi khác, đường sá sạch đẹp, nhà cửa khang trang. Bà con đồng bào DTTS biết học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt công nghệ đổi mới sản xuất, nâng cao thu nhập, con cái được ăn học đến nơi đến chốn. Trước đây, nhiều buôn làng DTTS tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, tồn tại các hủ tục tang ma, cưới hỏi,… nhưng nay nhờ sự động viên thường xuyên của già làng bà con đã xóa bỏ những hủ tục lâu đời. “Già làng Tây Nguyên được bà con ví như cây cao bóng cả của buôn làng, làm gương cho bà con nhìn vào, học tập và làm theo. Nhìn lại thành quả 10 năm thực hiện Quyết tâm thư, cần phải phát huy hơn nữa vai trò của già làng trong vùng đồng bào DTTS”, ông Điểu Mưu chia sẻ.
LÊ HƯỜNG