ng khoe rằng, người Ơ Đu ở Văng Môn bây giờ có nhiều thay đổi rồi, không còn cảnh phá rừng làm rẫy nữa, con em học hành đỗ đạt nhiều. “Có thời gian chú lên thăm bản thì biết”, ông bảo.
Lần gặp ấy mới đó mà đã qua 2 cái Tết, tôi vẫn chưa lên được Nga My (huyện Tương Dương) để chứng kiến những đổi thay của đồng bào dân tộc Ơ Đu ở bản Văng Môn. Thế là tôi quyết tâm phải lên bằng được.
Biết tôi lên, ông Cường đã đợi sẵn ở đầu con đường dẫn vào bản. Ông phăm phăm dẫn tôi về nhà, căn nhà nép mình bên sườn núi, được xây dựng khang trang, kiến cố. Mà cả bản 100 hộ, với 420 nhân khẩu cũng đều đã được ổn cư trong những căn nhà kiên cố như nhà của ông Cường.
Ông Cường bảo: “So với nơi ở cũ thì ở Văng Môn còn hơn cả giấc mơ vì giao thông thuận lợi, chỗ nào cũng trồng được cây lúa nước cùng những cây trồng khác cho năng suất cao”.
Ông nhớ lại, cách đây khoảng 11 năm về trước, khi người Ơ Đu còn sống ở lưu vực 2 con suối Huồi Puông, Huồi Xan, thuộc xã Kim Đa (Tương Dương) thì từ trung tâm xã, muốn vào bản thì phải mất một ngày ngồi thuyền đuôi én, vượt qua hàng chục thác ghềnh hiểm trở.
“Năm 2006, để phục vụ dự án thủy điện Bản Vẽ, cũng là nhằm giúp người dân Ơ Đu hòa nhập cộng đồng, Nhà nước đã di dời các hộ dân về định cư ở bản Văng Môn bây giờ. Đây là cuộc di dời lịch sử đối với chúng tôi”, ông Cường cho biết.
11 năm, quãng thời gian không dài nhưng với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, cuộc sống của người Ơ Đu “lột xác”. Được Nhà nước xây nhà, chia đất, chia rừng sản xuất, lại hỗ trợ cho mỗi hộ một con bò giống, cây trồng cùng vật tư, phân bón…; cùng với đó là sự gần gũi động viên tuyên truyền của già làng, trưởng bản, Người có uy tín nên người Ơ Đu yên tâm xây dựng cuộc sống trên đất mới.
Ông Cường chia sẻ, chính nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người Ơ Đu giờ đã có hạt thóc, hạt gạo đầy nương, con cái được đi học, có điện sinh hoạt, ti vi, xe máy. Định cư tại nơi ở mới, người Ơ Đu giờ đã biết khai hoang, trồng lúa nước, chuyện học hành của con trẻ được cả bản quan tâm, 100% trẻ em đến tuổi đều được đi học. Hầu hết các em trong bản đều học hết cấp trung học phổ thông, đặc biệt, cả bản có 8 em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng.
Đổi thay là thực tế, tuy nhiên ông Cường vẫn trăn trở: “Tiến bộ nhiều rồi, nhưng vẫn lo nhiều, lo văn hóa bị mai một. Hiện nay ít người còn biết nói và hát tiếng dân tộc, biết tổ chức lễ hội truyền thống, mai này người già Ơ Đu mất đi hết thì nỗi lo đồng bào có còn biết mình là người Ơ Đu nữa hay không”.
Theo ông Cường, mong muốn lớn nhất của người Ơ Đu ở Văng Môn là “Lễ hội tiếng sấm” được phục hồi bởi trong những tập tục cổ xưa nhất của người Ơ Đu, đây là lễ hội thiêng liêng nhất trong năm.
Ông bảo, người Ơ Đu trước đây phụ thuộc vào tiếng sấm, từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi họ cũng phải chờ tiếng sấm. Khi trẻ em sinh ra phải đợi cho đến khi nghe tiếng sấm đầu đời mới được đặt tên, bắt đầu tính tuổi. Còn khi về cói vĩnh hằng, chỉ khi có tiếng sấm vang lên thì linh hồn họ mới được coi là siêu thoát.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, của huyện Tương Dương liên quan đến công tác bảo tồn, phát triển đồng bào dân tộc Ơ Đu, là một cộng đồng DTTS đặc biệt ít người của nước ta chỉ cư trú duy nhất tại xứ Nghệ. Thời gian qua, đời sống của đồng bào dân tộc Ơ Đu đã có nhiều khởi sắc hơn so với trước đây; tuy nhiên nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội của bà 100 hộ đồng bào Ơ Đu ở bản Văng Môn vẫn là một thực tế khó phủ nhận.
Chia tay đồng bào Ơ Đu ở Văng Môn, tôi thầm ao ước, thời gian tới, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính quyền các cấp, đời sống của người Ơ Đu ở Văng Môn sẽ ngày càng khởi sắc, những nét văn hóa được phục hồi… để rồi, trong tương lai gần, Văng Môn sẽ trở thành một trong những bản làng tiêu biểu của huyện vùng cao Tương Dương nói riêng và vùng miền Tây Nghệ An nói chung.
MINH THỨ