Sinh viên đang theo học tại các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) tại TP. Hồ Chí Minh phần đông là đến từ các tỉnh thành khác; trong đó nhiều bạn ở vùng sâu, vùng xa, trợ cấp của gia đình hạn chế, bình thường vừa phải đi học vừa đi làm thêm để trang trải. Khi dịch Covid bùng phát, nhiều sinh viên đã gặp khó khăn trong học tập và sinh hoạt do giãn cách xã hội.
Bạn Phạm Ngân Thư, sinh viên năm cuối Trường CĐ FPT (quê ở Định Quán, Đồng Nai) cho biết: Do phải thực tập và làm chương trình báo cáo tốt nghiệp nên em đã nán ở lại TP. Hồ Chí Minh, nếu biết dịch bệnh phức tạp như hiện nay em đã về quê từ sớm. Những ngày qua gặp khó khăn đủ bề, đặc biệt là về tài chính. Gia đình không có trợ cấp được nhiều do cũng bị ảnh hưởng dịch bệnh nên em chỉ còn biết cách chi tiêu hết sức tiết kiệm, mong sao cho đại dịch mau qua.
Không riêng Ngân Thư, bạn Trần Minh Chương, quê ở Quảng Ngãi, đang theo học ngành Nhiếp ảnh, đồ họa chia sẻ: “ Gia đình em ở quê cũng khó khăn, nên bình thường em vừa đi học, vừa đi làm thêm tại công ty truyền thông để tự lo cho cuộc sống. Kể từ khi thành phố tiến hành giãn cách xã hội, công ty đã phải ngưng hoạt động hơn 2 tháng, mặc dù cũng có 1 phần lương trợ cấp nhưng không đủ chi phí, cũng may là trước đó em có dành dụm được một ít, giờ phải lấy ra dùng luôn rồi.
Cùng cảnh ngộ, bạn Nguyễn Quỳnh Anh, sinh viên Sư phạm âm nhạc, ĐH Sài Gòn (quê ở Đắk Lắk) cho biết: Bình thường em trang trải học phí, và tự lo cho cuộc sống của mình ở TP. Hồ Chí Minh bằng tiền đi dạy thêm ở các trung tâm âm nhạc, dạy kèm đàn piano cho trẻ em tại nhà. Nhưng từ khi dịch bùng phát thì mất hết nguồn thu nhập, tiền để dành giờ chỉ đủ cầm cự 1 - 2 tháng tiền nhà sắp tới; còn ăn uống thì phải tìm mọi cách xoay sở, làm bạn với mì tôm.
Mặc dù khó khăn là thế, nhưng hầu hết các bạn sinh viên đều không hề bi quan. Ai cũng có cách để vượt qua những trở ngại của riêng mình, dẫu biết rằng nói là một chuyện còn khi đối mặt với thực tại thì không hề dễ dàng.
Quỳnh Anh chia sẻ: 2 tuần lễ đầu thật khó khăn, vì em học và làm việc trong môi trường nghệ thuật cần không gian mở, mà bây giờ suốt ngày phải loay hoay trong 4 bức tường phòng trọ, tuy nhiên sau đó em nhận ra đây là vấn đề chung và mình phải chấp hành thật tốt các quy định về giãn cách.
"Thế là em đã tận dụng thời gian này để học thêm các cách xử lý âm thanh, viết nhạc trên máy vi tính… và cũng tranh thủ cập nhật thêm nhiều kiến thức mà trước đó do “chạy show” nên chưa làm được", Quỳnh Anh nói.
Còn bạn Minh Chương thì có chia sẻ khá hài hước : ”Hết giãn cách xã hội, chắc em sẽ thành siêu đầu bếp! Tưởng tượng được không? Một thằng con trai học công nghệ như em, trước đây toàn ăn uống qua loa bánh mì, cơm hộp, vậy mà giờ đây mới ở nhà có 2 tháng cái gì em nấu cũng được. Nhà còn món gì em chế biến món đó, phối thức ăn như phối màu Photoshop.
Nói như thế, nhưng không có nghĩa là tất cả các bạn sinh viên đều phải gồng mình vượt qua những khó khăn trong đơn độc khi kẹt lại giữa tâm dịch. Hầu hết các tổ chức đoàn thể ở các trường ĐH và CĐ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đều có những hoạt động để hỗ trợ cho các bạn sinh viên bằng nhiều hình thức. Có nơi thì bằng vật chất, tiền, nhu yếu phẩm trực tiếp, có đơn vị thì bằng các hình thức hỗ trợ, miễn giảm học phí…
Tuy không thể nào đáp ứng và giải quyết được tất cả hoàn cảnh, nhưng những sự hỗ trợ cũng phần nào, giúp các bạn sinh viên thêm ấm lòng, có thêm điểm tựa để vượt qua đại dịch an toàn, yên tâm chuẩn bị cho năm học mới.
Bạn Trần Tú, sinh viên trường Đại Học Tài chính – Marketing chia sẻ khi nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức Đoàn Thanh niên của trường: Em rất vui khi nhận được phần hỗ trợ cũng như các cuộc gọi hỏi thăm, động viên từ phía các bạn trong chương trình. Các phần quà rất thiết thực, được lựa chọn một cách tinh tế, phù hợp với chúng em trong hoàn cảnh bị cách ly thế này. Cảm ơn mọi người đã quan tâm và giúp đỡ sinh viên chúng em.
Hầu hết các bạn sinh viên đều ủng hộ và tin tưởng vào các giải pháp mà Chính phủ và Thành phố đang áp dụng. Hi vọng rồi đại dịch sẽ sớm được đẩy lùi để cuộc sống được trở lại bình thường, các bạn tiếp tục được an tâm học tập, sau này ra trường, đem tài sức phục vụ quê hương, đất nước.
Bạn Đặng Nguyễn Đan Linh (quê ở Đồng Nai, sinh viên năm 2 Trường CĐ FPT Polytechnic) chia sẻ: Mọi người kháo nhau đi xe máy về quê, dù bị cách ly vài tuần nhưng sau đó đỡ khó khăn hơn ở đây, nhưng em không đi. Mọi người cứ di chuyển lung tung thì làm sao mà dập tắt được dịch bệnh. Ai mà chẳng nhớ nhà? Nhưng nhớ thì gọi điện về hỏi thăm, biết tất cả mọi người đều bình an là vui và hạnh phúc rồi.
"Em thấy hiện tại nên làm theo lời kêu gọi của Chính phủ, “ai ở đâu cứ ở yên đó” là chính xác và an toàn nhất. Đó cũng chính là sự đóng góp tích cực nhất để dịch Covid mau được đẩy lùi", Đan Linh nói.
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)