Trong căn nhà chất đầy những lu mắm, bà Thơi cần mẫn tháo nắp kiểm tra mắm. Rồi ông bà cùng chiết nước mắm ra chai chuẩn bị giao cho khách. Đó là công việc thường ngày của ông bà từ hàng chục năm nay. Đã tròn 80 tuổi, mái tóc đã bạc trắng nhưng bà Thơi vẫn còn tinh tường, khỏe khoắn lắm. Bà nói mắm ủ phải kiểm tra thường xuyên nếu không muốn bị hư vì quá chín.
Ngơi tay, bà kể mình theo nghề từ năm lên 15 tuổi. Được bà, mẹ tận tình chỉ bảo, truyền dạy nghề cùng với sự chịu khó, bà nhanh chóng lĩnh hội được những bí quyết gia truyền để làm ra những mẻ mắm thơm ngon đặc trưng của nước mắm truyền thống làng mình. Hồi trước, mỗi sáng sớm bà đều tự ra bãi biển lựa từng mớ cá cơm, cá nục tươi mang về rồi tự tay ướp muối, ủ chượp và lọc lấy nước mắm. Nói chung, mọi công đoạn đều một tay bà làm lấy. Sau này, khi nghề làm nước mắm phát triển mạnh hơn, nguồn chượp có sẵn thì mỗi tháng bà đều tự mình vào Thuận An, Huế mua một lần (khoảng 1,7 tấn) để về ủ và lọc nước mắm.
Mỗi lúc nghề mỗi khác, nhưng hầu như việc làm nước mắm của gia đình bà chủ yếu làm theo hình thức thủ công, chẳng có công đoạn sử dụng máy móc nào. Và những mẻ nước mắm của gia đinh bà Thơi luôn được khách hàng đánh giá rất cao về chất lượng. Nước mắm bà làm đã tự có “thương hiệu” riêng ở làng. Ông bà đã đăng ký nhãn hiệu nước mắm của gia đình tên là Thanh Thủy để thuận lợi hơn trong sản xuất và tiêu thụ trên thị trường.
Nhiều năm trước đây, bình quân mỗi ngày gia đình ông bà làm được chừng 80-100 lít nước mắm, vừa tự mang đi bán lẻ vừa bỏ mối. Tuy nhiên khoảng vài năm trở lại đây, do sức khỏe nên mỗi ngày ông bà làm bình quân được 50 lít nước mắm, chủ yếu là làm nước mắm cốt, loại một nên số lượng có giảm nhưng hầu như đều đã có khách đặt trước.
Nói về nghề truyền thống của gia đình, bà Thơi chia sẻ, nhờ nghề nước mắm của bà và nghề đi biển của ông mà ông bà đã dần vượt qua năm tháng cơ cực của cuộc đời, chắt chiu nuôi nấng đàn con ăn học đàng hoàng, tử tế. “Bây giờ, hầu hết các con của ông bà đã trưởng thành nhưng vợ chồng tôi sẽ theo nghề đến khi nào không còn sức để làm; đồng thời tiếp tục truyền dạy lại bí quyết cho con cháu để mãi gìn giữ được nghề truyền thồng của cha ông”, bà Thơi khẳng định.
ĐỨC VIỆT