Đúng ngày khởi công làm đường, 85 hộ dân huy động sức người, mang đá, xi măng đến… bịt cổng chính của gia đình kia. Hết đường đi lại, gia đình đành phải mở lối sau; nhưng cuối cùng cũng phải xoay xở đủ cách để đóng tiền làm đường bởi “lời ong tiếng ve”, chỉ khổ con cái.
Oái ăm là, xoay được gần 3 triệu đồng để đóng nộp thì hàng xóm lại yêu cầu gia đình phải đóng thêm tiền đền bù ngày công và nguyên vật liệu đã dùng để bịt cổng.
Không có tiền để đền bù nên gia đình đó, dù đã đóng tiền làm đường, lại tiếp tục phải đi đường vòng để ra đường chính, xa hơn lối đi đã bị bịt 13,5 cây số.
Gia đình này là hộ duy nhất trong thôn 4 không thể dùng xe máy để đi lại vì trên đoạn đường vòng bắt buộc phải đi có cây cầu tre bắc tạm qua suối.
Câu chuyện một hộ duy nhất ở thôn 4 làm liên tưởng đến trường hợp mua bản quyền phát sóng Giải vô địch bóng đá thế giới 2018. Chỉ còn hơn một tuần nữa, World Cup 2018 khởi tranh nhưng hiện Việt Nam là nước duy nhất trong 219 quốc gia chưa mua bản quyền.
Theo lý giải của nhà đài (VTV) là do hợp đồng quá đắt; hơn 10,5 triệu USD chứ ít đâu. Đắt quá thì không mua, đúng quá!.
Không có bản quyền phát sóng thì người hâm mộ có thể xem qua nhiều “kênh” khác-ấy là xem “chui”.
Nhưng hãy nghĩ xem, 218/219 quốc gia đã mua bản quyền phát sóng-trừ Việt Nam. Vấn đề ở đây không chỉ là chuyện tiền bạc đắt-rẻ mà còn là sự mong đợi của hàng triệu người hâm mộ, là hình ảnh của một quốc gia. Hơn nữa, nhà đài có mua đắt thì cũng có chỗ để bù lại, đó là đi kèm với bản quyền phát sóng trực tiếp là những hợp đồng quảng cáo với doanh thu không hề nhỏ.
Theo suy đoán của nhiều người, có lẽ đến “phút thứ 89”, nhà đài sẽ mua bản quyền phát sóng để “câu” giá trị quảng cáo. Nhưng nếu điều này xảy ra, liệu có rơi vào tình thế giống như hộ nghèo ở thôn 4, xã Quảng Tín, đến phút cuối đã nộp tiền làm đường vẫn phải đi đường vòng.
SỸ HÀO