Dự án triển khai thâm canh với diện tích 20ha; mô hình phục tráng rừng vầu là 30ha, có 50 hộ dân ở 2 xã Tam Thanh và Tam Lư tham gia Dự án.
Chị Lò Thị Lan, ở bản Hậu, xã Tam Lư cho biết, chị đã quyết định phá 3ha trồng luồng để trồng vầu và kết hợp chăn nuôi lợn, gà trong vườn rừng. Khi tham gia Dự án, chị được hỗ trợ 50% kinh phí về giống, 30% phân bón và được hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật trồng vầu. Nhờ sự kiên trì chịu khó, cây vầu ngày một phát triển. Hiện trang trại chị đã có 4ha vầu đã cho thu hoạch, gia đình chị đang có thu nhập từ vầu và chăn nuôi khoảng 150 triệu đồng/năm.
Qua việc triển khai mô hình, người dân đã thấy được giá trị thu nhập từ cây vầu: Đặc biệt, trồng vầu vốn đầu tư không cao, thời gian tái thu hoạch lại nhanh, rất phù hợp với những đất cằn cỗi, cây vầu lại chống xói mòn rất tốt, do đó, nhiều hộ dân đã phát triển trồng loại này là cây trồng chính. Đến nay, xã Tam Lư đã có hơn 60 hộ tham gia trồng vầu bằng hạt và nhân hom trồng xen ở những khu vực đất trống trên diện tích hơn 40ha.
Ông Vi Văn Piên, Chủ tịch UBND xã Tam Lư cho biết: Dự án đã mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con trong xã, nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ trồng cây vầu. Bởi cây vầu chỉ cần trồng sau 4 năm là thu hoạch được. Hiện nay, trên địa bàn huyện có tới 87 cơ sở đầu tư nhập cây vầu về sản xuất, chủ yếu là bán ra Hà Nội. Vì vậy, người dân lại càng mạnh dạn đầu tư nhân rộng diện tích trồng vầu.
Ông Hà Văn Toản, Phó phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn, Chủ nhiệm Dự án cho biết: Diện tích cây vầu trong Dự án đang phát triển tốt. Sau 5 năm, cây vầu sẽ cho thu hoạch, với giá trị khoảng 500 triệu đồng/ha. Tuy Dự án chỉ hỗ trợ đến năm 2016 là kết thúc. Nhưng từ hiệu quả của cây vầu, mỗi năm, Quan Sơn phấn đấu trồng khoảng 500ha vầu và đến năm 2020 huyện sẽ phát triển khoảng 5.000ha vầu nguyên liệu chất lượng cao.
QUỲNH TRÂM