Thực tế, trong hơn 3 năm dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam, nhà cầm quân người Hàn Quốc gần như luôn “đóng đinh” về nhân sự. Trong ông đã sắp đặt sẵn các nhân tố. Nói nôm na, cỗ máy đã vận hành trơn tru và ông không muốn thay mới.
Thế nhưng, bản thân ông Park thừa hiểu, không ai có thể “đóng đinh” mãi cầu thủ ở vị trí đó. Tất yếu, để đòi hỏi sự ổn định là điều rất khó. Và hơn hết, ở vòng loại World Cup 2022, nơi được xem là bản lề cho mục tiêu dài hạn, ông Park có thể bứt ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân?
Trong số 27 cầu thủ đến UAE, đội tuyển Việt Nam thiếu vắng hàng loạt trụ cột vì chấn thương. Đó là Đặng Văn Lâm, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Hùng Dũng, Trọng Hoàng,… Những cầu thủ mới toanh hoặc ít được trao cơ hội có Trần Nguyên Mạnh, Nguyễn Văn Hoàng, Lý Công Hoàng Anh, Hồ Tấn Tài, Thanh Bình, Lê Văn Xuân, Phạm Tuấn Hải.
Đặt lên bàn cân, nói như ông Park, họ có chất lượng không bằng cầu thủ cũ. Nhưng, chưa sử dụng sao biết được! Đằng này, mục tiêu của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 không quá áp lực như các giải đấu trước. Chúng ta có thể lấy đó làm nơi để thử nghiệm.
Chỉ khi nào đi thì mới phát hiện ra đường mới còn nếu dậm chân mãi thì ắt hẳn, khó để tìm ra sự mới mẻ. Trong quá khứ, ông Park cũng từng tìm ra Phan Văn Đức hay Phạm Xuân Mạnh từ những tấm vé vớt. Nhưng đó là ở giai đoạn đầu ông mới đến với bóng đá Việt Nam.
Giờ đây, ông đã “cày xới” ở mọi đấu trường quốc nội cũng như trực tiếp làm việc với hàng trăm cầu thủ. Tuy vậy, vẫn chưa có một nhân tố mới nổi bật nào được phát hiện thêm.
Ở trận gặp Australia trên sân Mỹ Đình, ông Park giới thiệu tân binh Nguyễn Thanh Bình. Chỉ gần 20 phút trên sân, “em út” của đội tuyển Việt Nam vẫn chưa thể hiện hết khả năng của mình. Nhưng, ngần ấy thời gian đá tròn vai đủ để đặt niềm tin vào các nhân tố mới.
Bộ khung của đội tuyển Việt Nam được xác định rõ. Nhưng, biến số luôn xảy ra. Nó hệt như cách Đỗ Duy Mạnh bị thẻ đỏ hay hàng loạt chấn thương của các trụ cột. Chưa kể, vấn đề sức khỏe của những Quế Ngọc Hải, Đình Trọng hay Thành Chung đã hiển hiện trước đó. Họ thi đấu với mật độ khá dày.
Trong khi đó, các tân binh hay cầu thủ ít được trao cơ hội luôn có thừa sự nhiệt huyết. Chỉ cần trao cơ hội, họ sẽ “cháy” hết mình. Trường hợp của Công Phượng là điển hình. Tiền đạo này vắng mặt ở hai trận đầu và khi trở lại, anh liên tục ghi bàn ở các trận đấu tập.
Rõ ràng, hình ảnh của Công Phượng cũng như những nhân tố mới được ví như “chim sổ lồng”. Khi được là chính mình, họ có thể làm nên điều mà không ai có thể ngờ đến bởi đã được triệu tập và trụ vững đến thời điểm này, ắt hẳn, chuyên môn không phải hạng xoàng.
Họ có thể có khoảng cách với đồng đội nhưng với đối thủ, đó là nhân tố lạ. Biết đâu được, khi cần sự bùng nổ, khoảnh khắc quyết định, định mệnh lại gọi tên họ./.