Câu ca xưa như lời mời, đưa du khách về với làng nghề thêu Quất Động, huyện Thường Tín một làng quê cổ kính, êm đềm nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 25km về phía Nam.
Ông Phùng Văn Hưng, người cao tuổi ở làng Quất Động, kể: Đền thờ ông tổ nghề thêu ở làng nghề chúng tôi có cách đây hơn 200 năm. Ở Quất Động đầu những năm 90 có nhiều xưởng thợ. Xưởng to quy tụ chừng 200 tới 500 tay kim. Theo quy luật của cuộc sống, khi bước sang nền kinh tế thị trường, có những thời điểm, làng nghề tưởng chừng bị mai một, nhưng dân làng Quất Động vẫn kiên trì giữ nghề. Ngày nay hầu như nhà nào cũng có 2-3 người làm nghề.
Gian nhà của nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng chỉ rộng chừng 30m2, nhưng trên tường treo đủ loại các loại tranh thêu. Ngồi bên khung thêu, bà Hồng chia sẻ: “Ngày xưa tôi chuyên làm khăn trải giường, chăn ga, gối đệm rồi thêu mũi giày… xuất khẩu đi Đông Âu. Sau không xuất khẩu được nữa, thì chuyển sang thêu tranh, giờ chuyển sang thêu áo dài và hàng thời trang.
Các tác phẩm nổi bật của làng thêu hiện nay, là các bức tranh phong cảnh như: cây đa, bến nước, con thuyền, các danh lam thắng cảnh như chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, đình Hồng Thái, Cố đô Huế…
Để có những bức tranh phong cảnh, người thợ thêu có khi phải mất hằng tháng, lựa chọn từng loại chỉ màu phù hợp, khéo léo trong từng mũi kim để tạo những mảng màu thể hiện không gian bức tranh như: đặc tả hình ảnh sóng nước, tia nắng mặt trời hay hình ảnh bóng nước, mái chùa, cây đa in trên mặt nước… Những bức tranh chân dung được kết hợp bởi hàng triệu mũi kim với đủ loại chỉ thêu để tạo nét biểu cảm trên khuôn mặt. Từ khóe mắt, nụ cười, những nếp nhăn được đặc tả chi tiết sẽ toát lên được vẻ thần thái, tính cách, nét riêng của nhân vật trong tranh...
BTK