Hơn 300 ‘thí sinh sâm" góp mặt
Hội thi sâm Ngọc Linh năm nay thu hút hơn 100 hộ dân tham gia. Theo đó, các hộ đã mang tới Hội thi khoảng 300 "thí sinh sâm" ở các độ tuổi: 1-4 năm tuổi, 5 năm tuổi, 7 năm tuổi, 9 năm tuổi và 10 năm tuổi.
Ngay từ chiều 31/7, người dân mang những cây sâm đẹp nhất do mình trồng để tham dự Hội thi. Qua phiên sơ khảo, có hơn 200 cây sâm đủ tiêu chuẩn được tham gia dự thi. Ban Giám khảo đã chấm chọn được 50 cây sâm Ngọc Linh đẹp, chất lượng vào vòng chung khảo diễn ra sáng nay (1/8).
Ông Bùi Như Chương (ở xã Trà Linh) tham dự Hội thi với cây sâm Ngọc Linh nặng khoảng 2 lạng, có tuổi đời hơn 15 năm. “Gia đình tôi trồng sâm Ngọc Linh ở Trà Linh cũng nhiều năm rồi, như thường lệ, tôi chọn cây sâm đẹp nhất để đem đến Hội thi. Tôi rất mừng vì Lễ hội lần này, số người tham gia đông hơn, nhiều cây sâm đẹp và chất lượng”, ông Chương nói.
Còn chị Nguyễn Thị Hồng Thương, ngụ xã Trà Cang, cho biết, kể từ khi có thông tin về Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ VI – năm 2024, chị chọn trong hàng ngàn cây sâm Ngọc Linh được trồng được 2 cây đẹp nhất. Từ chiều hôm qua, chị đưa đến Lễ hội sâm để tham gia Hội thi. Một cây trồng được 5 năm, và cây còn lại có tuổi đời hơn 10 năm.
“Mình lựa chọn những cây phát triển tốt, củ đẹp để mang đến Hội thi, qua đó mong muốn có thể quảng bá rộng rãi thương hiệu sâm Ngọc Linh đến với mọi người. Đồng thời, đây là cơ hội tốt để mình trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trồng và phát triển sâm Ngọc Linh”, chị Nguyễn Thị Huỳnh, Giám đốc Công ty Huỳnh Sâm chia sẻ.
Các ‘thí sinh sâm" sẽ lần lượt trình diễn trước sự chứng kiến của hàng trăm người. Ban Tổ chức sẽ kỹ lưỡng đánh giá thông qua hình dáng thân, lá, rễ và chấm điểm. Những cây sâm độc đáo, chất lượng, toàn diện nhất sẽ được chọn trao giải.
Đấu giá sâm Ngọc Linh đạt giải để ủng hộ xóa nhà tạm
Theo Ban Tổ chức, việc tổ chức Hội thi là dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ cây sâm Ngọc Linh giữa các hộ dân trồng sâm trên địa bàn. Sau khi đạt giải, các cây sâm sẽ được bán đấu giá để ủng hộ Quỹ xoá nhà tạm cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Nam Trà My theo lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam.
Qua thông tin của Ban Tổ chức được biết, cũng đã có nhiều “đại gia chân đất” tại “thủ phủ” Sâm Ngọc Linh cũng đã đăng ký tặng thêm nhiều cây sâm Ngọc Linh đẹp để góp phần vào Quỹ xóa nhà tạm.
Điển hình như ông Trần Văn Hạnh, ngụ xã Trà Linh, đã tặng cây sâm Ngọc Linh 3 nhánh với trọng lượng khoảng 3 lạng. “Khi biết thông tin về việc đấu giá sâm Ngọc Linh để ủng hộ Quỹ xóa nhà tạm, mình cũng muốn góp một chút cho bà con khó khăn. Cây sâm này có giá thị trường khoảng 30 triệu đồng, nhưng mình hi vọng sẽ có nhiều người đấu giá cao, để có thêm tiền giúp đỡ bà con”, anh Hạnh tâm sự.
Còn chị Phạm Thị Thu Hằng, ngụ xã Trà Cang, chia sẻ: Đến với Lễ hội sâm lần này, mình rất vui vì có cơ hội học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, mình cũng chọn cây sâm Ngọc Linh đẹp nhất để đến dự thi, tuy chưa biết kết quả thế nào, nhưng mình cũng đã tặng cho Ban Tổ chức để đấu giá. “Hiện nay còn nhiều bà con còn khó khăn, nên mình góp chút sức mọn để giúp được phần nào cho họ thì quý”, chị Hằng chia sẻ thêm.
Tiêu biểu hơn cả có ông Hồ Văn Lượng, xã Trà Linh, đã mang đến Lễ hội sâm lần này 3 cây sâm Ngọc Linh chất lượng nhất. Sau khi trình diễn và được chấm điểm, ông Lượng đã tặng tất cả 3 cây sâm này để đấu giá. “Tôi rất vui vì số tiền đấu giá được lên đến 129 triệu đồng. Đây cũng không phải là số tiền nhiều, nhưng cũng phần nào giúp đỡ cho bà con được thêm ngôi nhà, hoặc được thêm tấm tôn lợp mái”, ông Lượng nói.
Đến trưa 1/8, chương trình đấu giá sâm Ngọc Linh ủng hộ Quỹ xóa nhà tạm đã hoàn tất. Ban Tổ chức cho biết, có 11 cá nhân, đơn vị đã tặng 14 củ sâm Ngọc Linh để đấu giá, số tiền thu về là hơn 360 triệu đồng. Mặc dù lần đầu tiên được tổ chức, nhưng buổi đấu giá diễn ra rất sôi nổi, thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia Lễ hội đến xem.
“Kết quả, buổi đấu giá đã thu về hơn 361 triệu đồng, toàn bộ kinh phí trên dùng để ủng hộ công tác xóa nhà tạm trên địa bàn huyện Nam Trà My. Đây là một trong những hoạt động không chỉ góp phần làm phong phú thêm cho Lễ hội sâm Ngọc Linh năm 2024, mà còn có ý nghĩa nhân văn, thiết thực hưởng ứng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước trong nỗ lực xóa nhà tạm”, ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ.