Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia 2023 do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương chủ trì và Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ Fruit Logistica 2023.
Theo phóng viên tại Berlin, ngày 8/2, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đã cùng Vinafruit tổ chức chương trình giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức (BVMW), các doanh nghiệp Đức, các doanh nghiệp Việt kiều tại Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha tại gian hàng Việt Nam trong khuôn khổ Hội chợ.
Phát biểu chào mừng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ, Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Vũ Quang Minh đánh giá cao sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam, khẳng định khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam càng ngày càng mạnh, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực. Với tiềm năng thị trường rất lớn, Đại sứ bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội mức giảm thuế bằng 0 đối với mặt hàng rau quả, trái cây, để có thể chinh phục được thị trường rất khó tính nhưng đầy cơ hội này.
Đại sứ nhấn mạnh Đại sứ quán Việt Nam cũng như Thương vụ Việt Nam và Đại diện xúc tiến đầu tư ở Đức, thị trường quan trọng nhất EU cam kết làm hết sức mình để hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các đối tác tại địa bàn, đẩy mạnh xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường Đức nói riêng và EU nói chung, tận dụng các lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại.
Trả lời phỏng vấn phóng viên tại Đức, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Vinafruit, cho rằng Hội chợ triển lãm quốc tế về rau quả ở Đức là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường cũng như phát triển ngành rau quả của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, sản phẩm rau quả phần lớn là trái cây của Việt Nam có rất nhiều lợi thế. Với những đặc sản trái cây nổi tiếng được nhiều khách hàng châu Âu ưa thích, các gian hàng của Việt Nam đã thu hút và trở thành điểm đến nhộn nhịp nhất trong ngày đầu tiên của Hội chợ.
Hiện Việt Nam vẫn đang tiếp tục phát triển để mở rộng thị phần ở châu âu. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan công bố, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực tăng trưởng về xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang châu Âu tăng khoảng 25-30%.
Về phần mình, ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp, Phái đoàn Việt Nam tại EU cho rằng Hội chợ triển lãm quốc tế về rau quả, trái cây lớn nhất thế giới diễn ra ở Berlin là sự kiện rất quan trọng, quy tụ rất nhiều các doanh nghiệp hoạt động trong ngành rau quả thế giới. Vì vậy đây không chỉ là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam kết nối, quảng bá cũng như gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu những công nghệ mới trong tất cả các lĩnh vực từ sản xuất chế biến, logistics, phân phối và tìm kiếm các bạn hàng, mà còn là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam “vươn ra biển lớn”.
Theo ông Trần Văn Công, EU luôn là một thị trường quan trọng, có tiềm năng lớn với kim ngạch nhập khẩu trái cây hằng năm trên 110 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu trái quả của Việt Nam sang EU mới chỉ đạt con số rất khiêm tốn, trên 200 triệu USD, chiếm khoảng 0,02% so với thị phần nhập khẩu trái cây của EU. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hầu hết các dòng thuế kể cả các sản phẩm rau quả chế biến cũng về 0, đó là một cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam để thâm nhập vào các thị trường EU.
Trong những năm vừa qua khi thực hiện Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu tận dụng được những cơ hội do hiệp định mang lại từ thuế. Bên cạnh đó các doanh nghiệp trong nước cũng đã tăng cường sản xuất theo hướng các sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chí, tiêu chuẩn mà EU yêu cầu.
Mặc dù những năm gần đây, đặc biệt năm 2022, xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang thị trường thế giới có giảm so với năm 2021, nhưng nhưng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam sang thị trường EU tăng gần 14%. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng khi cả số lượng doanh nghiệp và chủng loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam đều tăng. Ngoài việc thị phần các loại sản phẩm mới như vải, nhãn, thanh long, chanh leo, sầu riêng nguyên trái và bưởi, chanh dây... tăng, tỷ trọng hàng rau quả chế biến cũng gia tăng.
Ông Trần Văn Công cho rằng trong thời gian tới nếu các doanh nghiệp tập trung vào phát triển tốt các vùng trồng, bảo quản cũng như đảm bảo có chứng nhận, thì các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu của thị trường châu Âu.
Cũng trong khuôn khổ Hội chợ, bà Đỗ Việt Hà, Đại diện Thương vụ Việt Nam tại CHLB Đức cũng trao đổi với Vinafruit và các doanh nghiệp về việc tăng cường phối hợp với các đối tác, các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, các nhà nhập khẩu tại một số bang ở Đức.
Dưới sự chứng kiến của Đại sứ Vũ Quang Minh, Hiệp hội Vinafruit và Công ty Skaro, đại diện (BVMW) đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, Đức đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu, phân phối trái cây, rau quả Việt Nam vào thị trường Đức.
Đây là năm thứ ba Việt Nam tham gia Hội chợ triển lãm các sản phẩm rau quả, trái cây lớn nhất thế giới, với 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và chế biến rau quả xuất khẩu. Việc duy trì sự hiện diện của khu gian hàng Việt Nam tại hội chợ Fruit Logistica thường niên có ý nghĩa tác động lan tỏa đối với sản phẩm nông nghiệp Việt Nam nói chung và sản phẩm rau quả nói riêng.
Fruit Logistica bao trùm mọi lĩnh vực kinh doanh, chế biến các sản phẩm rau quả tươi sống, cung cấp một bức tranh tổng thể về những cải tiến, sản phẩm và dịch vụ mới nhất cũng như các kênh liên kết phân phối trong chuỗi cung ứng quốc tế.