Theo Báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2016 đến nay, số trẻ tử vong do tai nạn thương tích tại tỉnh Gia Lai là 546 trẻ, trong đó số trẻ tử vong do tai nạn đuối nước đã lên tới 401 trẻ. Chỉ tính 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Gia Lai đã có đến 27 trẻ tử vong do đuối nước. Đa số các trường hợp tử vong do trẻ thiếu các kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước và tự tìm đến vùng sông, suối, các hố sâu chơi đùa mà không có sự giám sát của người lớn.
Cũng trong 6 năm qua, tỉnh Gia Lai đã tập huấn, tuyên truyền, vận động thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng - chống tai nạn thương tích cho trẻ em” cho 14.503 hộ dân tại 20 xã, thị trấn với tổng kinh phí 460 triệu đồng. Qua đó, góp phần nâng cao sự hiểu biết của người dân về môi trường sống an toàn, loại bỏ các mối nguy hiểm có thể gây tai nạn thương tích cho trẻ, giảm đến mức thấp các loại thương tích ở trẻ em tại gia đình và cộng đồng. Từ năm 2018, UBND tỉnh Gia Lai đã bố trí kinh phí 13,5 tỷ đồng để hỗ trợ trang bị bể bơi thông minh tại các trường. Hiện nay, toàn tỉnh có 90 bể bơi của Nhà nước và tư nhân.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đã làm rõ những vấn đề các thành viên trong đoàn giám sát quan tâm, như: Khó khăn trong triển khai môi trường sống lành mạnh cho trẻ em; hạn chế trong việc triển khai mô hình bể bơi thông minh; tỷ lệ đuối nước ở Gia Lai luôn ở mức cao…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Tạ Văn Hạ đã đánh giá cao những kết quả mà Gia Lai đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng - chống tai nạn thương tích nói chung và tai nạn đuối nước cho trẻ nói riêng; đồng thời ghi nhận, chia sẻ với những khó khăn mà tỉnh đang đối mặt.
Với mong muốn giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn thương tích cho trẻ, trong đó có tai nạn đuối nước, Phó Chủ nhiệm Tạ Văn Hạ cũng đề nghị tỉnh Gia Lai phải quan tâm hơn nữa trong việc trang bị kiến thức và kĩ năng bơi lội cho chính các cháu để tự phòng vệ. Ngoài việc dạy bơi, công tác phòng chống đuối nước, cứu người cũng rất quan trọng.
“Thời gian tới, tỉnh Gia Lai cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, công tác tập huấn nâng cao nhận thức không chỉ có nhân dân, mà còn đối với cả cấp ủy, chính quyền, những người làm công tác đoàn thể, công tác chính trị xã hội, tất cả phải được chú trọng. Những nơi có nguy cơ bị bão lũ hay xảy ra cũng cần được quan tâm. Thậm chí có những nơi phải bắc cầu để cho trẻ đi qua sông để tạo cho trẻ có một môi trường thực sự an toàn”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Sáng cùng ngày, đoàn công tác cũng đã có buổi làm việc với UBND huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) để khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng - chống đuối nước trẻ em trên địa bàn. Sau buổi làm việc, đoàn đã đi khảo sát thực tế tại một số cơ sở có bể bơi trên địa bàn huyện Chư Sê.