Khu chợ nông sản đặc hữu được đặt tại phường Kim Tân, TP. Lào Cai, với 23 gian hàng được bố trí trong nhà có mái che, bảo đảm thông thoáng, thuận tiện giao thông và vệ sinh môi trường. Theo cơ quan chức năng, chợ nằm ở vị trí “đắc địa”: Nằm cạnh nút giao thông Quốc lộ 4D đi khu du lịch Sa Pa, điểm nối Sa Pa với TP. Lào Cai. Bên cạnh chợ này, là chợ đầu mối thương mại Kim Tân, mỗi ngày thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách tới mua bán, trao đổi hàng hóa.
Theo ông Hà Đức Bình, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Lào Cai thì, chợ nông sản đặc hữu không chỉ giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương như: Gạo Séng Cù, tương ớt Mường Khương, đương quy và tam thất Sa Pa, thịt trâu sấy và mật ong rừng Bảo Yên, trứng vịt Sín Chéng… Mục tiêu quan trọng khác hơn là tiêu thụ sản phẩm ổn định, với trị giá cao, số lượng lớn, thúc đẩy phát triển hàng hóa ở địa phương; đồng thời gắn kết với phát triển du lịch thông qua thu hút du khách thăm quan và mua sắm nông sản đặc hữu để tiêu dùng và làm quà tặng.
Mục tiêu là vậy, nhưng đã qua 4 tháng đi vào hoạt động, chợ nông sản đặc hữu tỉnh Lào Cai vẫn trong tình trạng “vắng như chùa bà đanh”. Khi chúng tôi có mặt tại đây, tìm cả khu chợ mới có một quầy hàng của Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Lào Cai là mở cửa, mặc dù lúc đó đã là gần 3 giờ chiều (ngày 17/4). Ngồi trông quầy hàng là một phụ nữ không đồng phục cũng chẳng biển tên, khi chúng tôi đến chị cũng chẳng buồn ngước nhìn mà cắm cúi vào chiếc láp-tốp đọc báo.
Qua tìm hiểu, được biết chị là cán bộ trung tâm khuyến công được giao phụ trách quầy hàng của đơn vị. Khi được hỏi tại sao chợ hôm nay lại vắng vậy, chị cho biết: Buổi chiều chả mấy khi các quầy hàng mở, chỉ buổi sáng. Hôm nào nhiều cũng có 5-7 quầy hàng mở cửa. “Mà có khách đâu, mở cửa ra rồi cũng đóng sớm thôi các anh ạ. Như quầy này là của Trung tâm nên chúng em phải duy trì việc mở cửa chứ các quầy khác của các hợp tác xã, công ty tư nhân mở ra không bán được hàng mà vẫn phải chi trả lương công nhân, rồi tiền điện... nên họ cũng chẳng muốn mở cửa đâu”.
Mang tiếng là chợ được đặt ở vị trí “đắc địa”, nhưng theo các tiểu thương kinh doanh lâu năm ở chợ Kim Tân, thì khu chợ Kim Tân mới được xây dựng này rất “không hợp lý”. Chị Quý là tiểu thương kinh doanh hàng mã và đồ thờ cúng ở ngay gần khu chợ đầu mối cho hay, chợ xây không theo thiết kế của hầu hết các chợ chúng tôi được biết mà kéo dài hàng trăm mét, rất không tập trung, có khi đi mỏi chân còn chưa mua đủ đồ.
Trao đổi về việc chợ nông sản đặc hữu của tỉnh hầu như không hoạt động sau ngày khai trương, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai cho biết: Do các mặt hàng bày bán tại chợ chủ yếu là nông sản nên có tính mùa vụ. Thời điểm này, không phải là vụ thu hoạch nên hàng hóa ít nên nhiều gian hàng đóng cửa. “Chúng tôi đang đôn đốc, xây dựng kế hoạch để các doanh nghiệp duy trì việc mở cửa thường xuyên hơn, từng bước đưa khu chợ đi vào hoạt động nền nếp”.
Thiết nghĩ, việc xây dựng chợ nông sản đặc hữu nông sản là rất cần thiết trong việc giới thiệu quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, góp phần tìm đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, để có khu chợ này, chắc chắn địa phương đã dành số tiền không nhỏ để đầu tư. Tuy nhiên, với thực tế hoạt động của chợ như vậy, vô tình đang đi chệch mục tiêu, kỳ vọng của địa phương; lãng phí nguồn ngân sách. Trong khi đó, người nông dân hiện rất cần được quảng bá, đưa nông sản ra thị trường tiêu thụ…
Vì vậy, ngành chức năng tỉnh Lào Cai cần khẩn trương tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc để khu chợ đi vào hoạt động hiệu quả.
TRỌNG BẢO