Ông Hồ Văn Hầu, Phó Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy cho biết: Thi đua phát triển kinh tế tạo động lực để xóa đói giảm nghèo là phong trào xuyên suốt trên hành trình phát triển của xã Ngân Thủy. Xã đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đồng thời quan tâm đẩy mạnh lĩnh vực thương mại, du lịch nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế.
Để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Ngân Thủy đã tuyên truyền, vận động bà con trồng lúa nước, phát triển giống nếp than bản địa, thực hiện các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vụ Đông - Xuân 2020 - 2021, năng suất lúa của xã đạt 48,9 tạ/ha (tăng 0,1 tạ), tổng sản lượng lúa ước đạt 438 tấn (tăng gần 9,2 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Người dân trong xã còn tích cực trồng các loại cây khác như: Khoai lang, lạc, sắn, ngô và thực hiện mô hình trồng tre lấy măng. Chăn nuôi cũng được xem là thế mạnh ở xã Ngân Thủy, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn. Toàn xã hiện có 637 con trâu, 1.285 con bò và hàng nghìn gia cầm các loại. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, chú trọng tiêm vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm nên hoạt động chăn nuôi trên địa bàn xã phát triển khá ổn định. Ngoài ra, xã còn có 23,5ha diện tích nuôi cá với 125 hộ tham gia.
Công tác phát triển rừng được xã hết sức chú trọng. Ngoài việc tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng, xã còn quan tâm đến việc trồng rừng với các loại cây có giá trị kinh tế cao và khai thác rừng trồng hiệu quả, giúp cho người dân có cuộc sống ổn định.
Trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, vượt qua khó khăn để xây dựng cuộc sống mới. Điển hình là anh Nguyễn Văn Thạch ở bản Km14, là một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Ngân Thủy. Năm 2018, gia đình anh phát triển từ kinh tế hộ gia đình quy mô nhỏ sang thành lập gia trại chăn nuôi, trồng rừng.
Hiện nay, gia trại của anh chăn nuôi 50 con lợn rừng giống bản địa, mỗi năm xuất bán 3 lứa, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn nuôi 15 con trâu, bò, trồng 15ha rừng cây cao su và keo. Theo ước tính của anh, mỗi năm tổng thu nhập từ chăn nuôi, trồng rừng của gia đình đạt khoảng 250 triệu đồng.
Ở xã Ngân Thủy còn nhiều tấm gương điển hình như anh Hồ Ngọc Thọ (Trưởng bản Khe Sung), ông Nguyễn Văn Ba (bản Còi Đá) cùng nhiều Người có uy tín khác là những người am hiểu phong tục tập quán của dân bản, được bà con tôn trọng, tin tưởng, luôn là tấm gương mẫu mực trong gia đình và cộng đồng, tạo sức lan tỏa trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
Ngân Thủy bây giờ còn là điểm đến của nhiều người yêu thích trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng. Những địa danh du lịch ở xã như: Khe Nước lạnh, hang Chà Lòi… đang có sức hút đặc biệt với du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng và các sản phẩm du lịch độc đáo.
Song song với việc phát triển sản xuất, Ngân Thủy còn tích cực huy động, tìm kiếm, kêu gọi các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Một số công trình đã được đầu tư xây dựng, như: Nhà văn hóa bản Km14, nhà văn hóa bản Cửa Mẹc, đường nội vùng bản Còi Đá, hệ thống nước sạch bản Khe Sung, đường vào nội vùng bản Khe Giữa… tạo cho bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc. Trong năm 2021, xã Ngân Thủy phấn đấu hoàn thành một số tuyến đường trên địa bàn để đạt tiêu chí giao thông và phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Ngân Thủy trong tương lai sẽ là điểm đến được yêu thích của khách du lịch với các sản phẩm du lịch trải nghiệm hấp dẫn như: Khám phá hang động, tắm suối, ngủ lều giữa rừng, cắm trại trên thảo nguyên, tìm hiểu cuộc sống và thưởng thức sản vật của bà con dân tộc Bru Vân Kiều... Phát huy những kết quả đã đạt được, Ngân Thủy đã và đang nỗ lực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xem đây là động lực để khắc phục khó khăn, phát huy thế mạnh của địa phương nhằm tiếp tục tạo dựng những thành quả mới trên hành trình phát triển.