Trong thời gian đó, anh đã kinh qua nhiều vai trò trong đoàn phim và làm phó đạo diễn cho một số phim đình đám. Đến lượt mình ngồi vào ghế đạo diễn phim đầu tay tựa đề Đêm tối rực rỡ, anh đã chọn làm theo hướng phim độc lập, có nguồn kinh phí thấp.
Nội dung phim cũng không theo công thức đáp ứng nhu cầu giải trí của số đông công chúng. Anh đã đứng dưới góc nhìn của một người trưởng thành trong nền văn hóa phương Tây đối chiếu với nét đặc thù của văn hóa Á Đông, để kể một câu chuyện gia đình đầy bi kịch. Có lẽ nhờ yếu tố này mà phim Đêm tối rực rỡ của Aaron Toronto đã thắng giải câu chuyện xuất sắc (Best story) cho đạo diễn, và giải nữ chính xuất sắc (Best Performance Female) cho Lý Nguyễn Nhã Uyên ở Liên hoan phim Santa Fe 2022 diễn ra tại Mỹ vào tháng 3 vừa qua. Phim đã có xuất chiếu ra mắt vào tối ngày 5/4 tại TP.HCM, trước khi chính thức công chiếu toàn quốc vào ngày 8/4.
Căn bệnh thời đại
Nếu như trong góc nhìn phương Tây, cha mẹ giáo dục con cái bằng cách đưa ra lời khuyên hoặc động viên và khơi gợi, thì trong văn hóa Á Đông, không ít phụ huynh dạy con bằng cách “thương cho roi cho vọt”. Họ suy nghĩ rằng có quan tâm thì mới la mắng hoặc đánh đòn, mà không hề biết điều này gây tổn thương tâm lý cho đứa trẻ.
Trong phim Đêm tối rực rỡ, ông Toàn (Huỳnh Kiến An thủ vai) có một câu thoại để chứng minh cho góc nhìn đó: “Ông nội mày cũng đánh đập tao hoài, nhưng tại sao tao không điên như nó hả?”. Ông Toàn đã không hề biết mình đã là nạn nhân của bạo lực, để rồi từ trong vô thức, ông dần trở thành kẻ bạo lực gia đình, khi đánh đập, tra tấn vợ con một cách điên cuồng. Chính bạo lực gia đình do ông gây ra đã khiến cho tính cách của cả ba đứa con trở nên lệch lạc, hành vi lệch chuẩn. Con trai lớn (Xuân Trang) là một kẻ đạo đức giả, chỉ biết vun vén cho bản thân. Con gái giữa Xuân Thanh (Nhã Uyên) rớt vào bi kịch của căn bệnh trầm cảm và tự kỷ. Con gái út Kim Bảo (Kim B) nghiện ngập, chông chênh, bất cần đời.
Xét về diễn xuất, tuyến nhân vật chính rất thuyết phục người xem. Nghệ sĩ Huỳnh Kiến An vốn có thế mạnh với các vai phản diện đã hóa thân thuyết phục vào hình ảnh người cha hư hỏng, ham mê cờ bạc, cư xử thô lỗ đến mức đáng sợ. Xuân Trang đã từng thành công khi vào loại vai biến thái, đa nhân cách, nên vai diễn đứa con trai nửa tà nửa chánh này không phải là thách thức với anh. Diễm Phương chuyên trị vai cá tính, hóa thân sống động vào tính cách một cô con dâu tham lam, bản năng và ích kỷ. Nhã Uyên dù đã ngưng diễn từ lâu, nhưng đã thể hiện quá tốt hình ảnh một người đàn bà từng là đứa trẻ bị bạo hành dẫn đến rối loạn hành vi. Cô không diễn như một người điên mà chỉ dừng lại ở tình trạng trầm cảm và bế tắc, chỉ mất kiểm soát khi tâm lý bị tác động mạnh. Cảnh nhân vật Xuân Thanh của Nhã Uyên rút vào góc tối, làm rớt mái tóc giả để lộ cái đầu trọc lởm chởm, khóc lóc và hành hạ mình trong cảm giác bất lực là cảnh quay đầy ám ảnh.
Trầm cảm và tự kỷ là căn bệnh đang phổ biến mạnh mẽ nhưng trong xã hội đương thời, mà Việt Nam cũng không hề hiếm gặp. Đây là một vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh nhức nhối, nhưng ít dám thổ lộ, tìm hướng giải quyết. Đến nay, nghệ sĩ Việt Nam cũng ít chạm đến đề tài này, nên vì vậy, Đêm tối rực rỡ trở thành một hương vị lạ trên bàn tiệc phim có rất nhiều chén dĩa, nhưng món ăn lại khá tương đồng.
Kịch tính đến ngạt thở
Phim gần như chỉ có một bối cảnh, với khoảng 98% tình huống xảy ra tại đám tang trong ngôi nhà của ông Toàn. Mạch câu chuyện diễn ra chỉ từ đêm đến bình minh, tầm 12 tiếng. Tất cả những điều kể trên hiếm thấy trên màn ảnh Việt, nhất là khung cảnh tang gia, nhưng nó đủ sức cuốn người xem đi từ đầu đến cuối, vì đủ kịch tính.
Kịch bản hay ở điểm là không miêu tả nỗi đau của một tang gia. Tại đó - một hẻm phố ở Sài Gòn và cũng thường thấy ở miền Đông Nam Bộ - người chịu tang có thể uống rượu, chơi bài, thuê nghệ sĩ về hát tuồng cổ, cùng các cô nàng bê-đê múa bóng rỗi, tạo không khí náo nhiệt đến mức ồn ào.
Điểm đắc địa trong Đêm tối rực rỡ là bi kịch trong câu chuyện không nằm ở cái chết của người ông, mà nó đến từ một vấn đề khác. Ông Toàn vì cờ bạc, nghiện ngập mà bị giang hồ ép buộc phải trả nợ ngay trong buổi sáng di quan. Sự dồn ép của trùm xã hội đen với ông Toàn dẫn đến hàng loạt xung đột kịch đầy ám ảnh trong đêm tang gia ấy, nhưng nó chỉ là cái cớ để đạo diễn muốn gửi gắm một thông điệp khác: Khi người cha - trụ cột gia đình - trong gia đình mà hư hỏng, hành xử bạo lực với con cái thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khốc liệt.
Bi kịch trong phim liên tục được đẩy lên hết cao trào này đến cao trào khác, không có một phút ngưng nghỉ. Điều này khiến cho nhiều người lo ngại rằng những cảnh bạo lực, tình huống căng thẳng khiến bộ phim trở nên nặng nề. Vậy nhưng, nếu so sánh với các phim khác của Mỹ và Hàn Quốc, cách kể chuyện này vẫn là “nhẹ nhàng”.
Dụng ý của đạo diễn là muốn miêu tả tận cùng cái ác để tránh xa cái ác. Xem ra, điều này đã phát huy tác dụng trong Đêm tối rực rỡ, bởi khán giả là phụ huynh, sau khi bước chân ra khỏi rạp, sẽ suy nghĩ rất nhiều về cách ứng xử của mình với con cháu. Bởi vì, điều đó ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quá trình hình thành nhân cách và số phận của trẻ. Sự quát mắng, chỉ trích người khác dù là với con cháu mình cũng là hành vi cần phải suy xét cẩn trọng.
Phim hoàn toàn không có một ngôi sao bán vé nào, nhưng diễn viên có trải nghiệm và thực lực. Câu chuyện lạ, cách kể chuyện mới mẻ, ngôn ngữ điện ảnh hiện đại, trôi chảy, khúc chiết, không bị sân khấu hóa với lời thoại lê thê. Dẫu vậy, vẫn có một tình huống ngắn, nhưng thừa, đó là sự xuất hiện của một lão đại gia mắng nhiếc ông Toàn, vì những gì đã xảy ra trong câu chuyện đã đủ giúp ông Toàn trả cái giá rất đắt và tỉnh ngộ. Tóm lại, đây là phim điện ảnh Việt rất đáng xem, nhất là đối với những người làm cha làm mẹ./.