Về bản tìm học trò
Tại xã biên giới Keng Đu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), những ngày này, các giáo viên đang rất nỗ lực trèo đèo, vượt suối vào bản tìm học trò, gặp gỡ phụ huynh để thuyết phục cho các em đến trường kịp ngày khai giảng.
Thầy Trần Văn Hùng, giáo viên Trường Tiểu học và THCS xã Keng Đu cho biết: Ở bản Huồi Xui, có 2 em là Moong Thị Minh và Moong Thị Thơi, năm nay học lớp 7 đang có nguy cơ bỏ học vì cha mẹ đi làm ăn xa không đủ tiền chu cấp cho các em. Để đến nhà vận động các em không bỏ học, các thầy phải đi gần 20km, qua 10 con đèo, 5 con suối lớn. Gần một ngày thuyết phục, 2 chị em mới đồng ý trở lại lớp.
Trước đó, các thầy giáo cũng đã phải lên bản Huồi Tông, thuyết phục gia đình ông Moong Phò Hồng cho con trai là Moong Văn Hiếu (lên lớp 8) được đến lớp. Biết có giáo viên đến vận động, ông Hồng còn tìm cớ đi sang nhà hàng xóm, rồi lên rẫy. Không nản lòng, các thầy ngồi chờ đến chiều để tiếp tục vận động để Hiếu được đến trường.
Được biết, xã biên giới Keng Đu không chỉ có bản Huồi Xui và Huồi Tông, mà còn rất nhiều bản khác như Huồi Cáng, Khe Linh, Quyết Thắng… đều có học sinh có nguy cơ nghỉ học. Nguyên nhân chủ yếu do đời sống khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa, các em trở thành “trụ cột” của gia đình nên các gia đình không muốn các em trở lại trường. Vì thế, hơn nửa tháng nay, các thầy cô giáo nơi đây đã phải lặn lội tìm đến nhà vận động các gia đình cho các em được tiếp tục đi học.
Không chỉ ở các xã biên giới Nghệ An, tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị tình trạng sau hè học sinh bỏ học lại diễn ra. Với phương châm "đến từng ngõ, gõ từng nhà", ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ học sinh đến trường, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.
Cô giáo Lê Thị Ái Liên, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa cho biết: Quan niệm của đồng bào, chuyện học không quan trọng bằng việc vào nương rẫy giúp gia đình làm ra hạt ngô, củ khoai. Nhiều em thích đi học nhưng cha mẹ không cho nên năm nào cũng vậy, sau kỳ nghỉ hè, toàn bộ giáo viên lại phải rải ra các bản, đến từng nhà học sinh để vận động cha mẹ cho các em đến trường; đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, các giáo viên đóng góp hỗ trợ để mua sách vở, quần áo để các em đến trường đến trường.
Nỗ lực vượt khó
Đối với những địa phương ở vùng DTTS và miền núi, ngoài nỗi lo học sinh nghỉ học, các nhà trường còn nỗi lo khác, đó là thiếu phòng học, trang thiết bị dạy học… Điển hình như, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, năm học mới này còn thiếu hơn 1.000 phòng học.
Tại huyện Kỳ Sơn, mặc dù được sự quan tâm của các cấp, ngành Giáo dục, nhưng đến nay huyện Kỳ Sơn vẫn còn khoảng 40 phòng học tạm, phòng học mượn và hàng trăm phòng học khác đã xuống cấp nghiêm trọng.
“Vì chưa được đầu tư xây mới nên chúng tôi đang phải tận dụng và “hư chỗ nào, vá chỗ ấy” để không làm gián đoạn việc dạy và học của giáo viên và học sinh, dù khó khăn đến đâu chúng tôi cũng phải vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học…”, thầy Thiết cho hay.
Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Để chuẩn bị cho năm học mới, huyện cũng đã dành một nguồn kinh phí để đầu tư sửa sang lại trường lớp; còn về xây dựng thêm hàng trăm phòng học thì rất khó, bởi ngân sách không đủ. Tuy nhiên, huyện sẽ tìm các giải pháp huy động mọi nguồn lực để bằng mọi cách phải đủ số phòng (kể cả mượn) để cho các em học tập.
Để đáp ứng nhu cầu về phòng học cho các trường vùng cao, tỉnh Quảng Trị cũng có nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên bố trí các nguồn lực và huy động xã hội hóa để kiên cố hóa trường học. Năm học mới 2019-2020, ngành Giáo dục Quảng Trị đã xây và sửa chữa hàng trăm phòng học.
Tuy nhiên, ở một số huyện miền núi như, huyện Hướng Hoá hiện còn thiếu 68 phòng học, trong đó có 32 phòng mầm non, 27 phòng tiểu học và 9 phòng THCS. Chủ trương của huyện là, sẽ tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn để đầu tư xây mới và nâng cấp, sửa chữa trường lớp học, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các địa phương miền núi...
Có thể thấy, để con em học được con chữ, để giáo dục vùng DTTS và miền núi ngày một phát triển, luôn có sự hy sinh, nỗ lực của các thầy cô giáo nơi đây.
MINH THỨ