Giải pháp khắc phục những hạn chế liên quan đến chất thải lây nhiễm, nước thải y tế
Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho biết, hiện nay, cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý chất thải chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế, đặc biệt là các cơ sở y tế quy mô nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn giải pháp xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải y tế, từ đó ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng dân cư. Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, quản lý tốt vấn đề liên quan đến chất thải lây nhiễm, nước thải y tế?
Về câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh liên quan đến đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế, Bộ trưởng đồng tình quan điểm rất cần thiết quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống này tại các bệnh viện y tế tuyến huyện như đại biểu nêu.
Sớm ban hành thông tư hướng dẫn hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải và chất thải.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ) cho biết, Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ đã thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật đối với công tác bảo vệ môi trường, quản lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Cần Thơ. Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ đã đề nghị Bộ TN&MT thống nhất với các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành thông tư hướng dẫn hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải và chất thải. Đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị Bộ trưởng cho biết khi nào thông tư này được ban hành?
Trả lời câu hỏi của đại biểu về tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cả nước chỉ có khoảng 17% nước thải sinh hoạt được xử lý, tỷ lệ rất thấp. Hoạt động hợp tác công tư, xã hội hóa đầu tư các nhà máy xử lý nước thải đô thị rất quan trọng, bởi đầu tư công quan tâm đến công tác thu gom, còn xử lý cần được xã hội hóa, bởi việc xử lý nước thải phải gắn với vận hành; nếu làm được việc này sẽ tăng được tỷ lệ xử lý nước thải.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng thông tư, dự kiến cuối năm 2024 sẽ ban hành thông tư hướng dẫn để thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đã được Quốc hội thông qua để tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác công tư, xã hội hóa, góp phần tăng cường xử lý chất thải đô thị.
Giải pháp gì để ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường?
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho biết, việc bảo vệ, khai thác tài nguyên quốc gia đã đạt nhiều kết quả, mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế - xã hội. Tuy nhiên việc khai thác tài nguyên trên các lĩnh vực còn nhiều bất cập. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, Bộ trưởng có giải pháp gì để ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường?
Đồng thời, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến tranh luận rằng, hiện nay, quy hoạch vùng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có xây dựng những hồ chứa nước ngọt với diện tích rất lớn. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ trưởng trong việc thực hiện để người dân Đồng bằng sông Cửu Long yên tâm có nước ngọt?
Đối với chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa về bảo vệ, khai thác tài nguyên biển, Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản. Biển là thể thống nhất, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, chúng ta cần ưu tiên bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học, không khai thác tận diệt. Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ về công tác quy hoạch; phối hợp với Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng về các cơ chế chính sách thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản, nuôi biển, nuôi xa biển…
Giải pháp căn cơ để quản lý tốt các nguồn phát thải, xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề?
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng việc quản lý các nguồn phát thải, xả thải là giải pháp quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc quản lý ô nhiễm nguồn nước. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp căn cơ trong thời gian tới để quản lý tốt các nguồn phát thải, xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cũng như là nước thải sinh hoạt?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thi về quản lý nguồn nước thải, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, đúng như thực trạng đại biểu phản ánh, vấn đề xử lý nước thải còn hạn chế, đặc biệt là nước thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, nước thải cụm công nghiệp làng nghề. Xử lý vấn đề này cần có những giải pháp tổng thế: Nguồn lực, lộ trình thời gian, đầu tư hạ tầng và sự quan tâm của các địa phương, bộ ngành…
Về thể chế chính sách, Bộ trưởng cho rằng, cần có sự hợp tác công tư để bảo đảm nguồn xã hội hóa; ban hành đơn giá dịch vụ hợp lý để các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà máy xử lý nước thải; tăng cường công tác quan trắc giám sát…
Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua Bộ TN&MT đã khánh thành Trung tâm tổng hợp xử lý dữ liệu và quan trắc kết nối với tất cả các địa phương và các vùng nguồn xả thải lớn; từng bước cập nhập và kiểm tra xử lý vấn đề này. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, đặc biệt các trường hợp cố tình xả thải ra môi trường không đạt yêu cầu.
Làm rõ quan điểm về hạn chế rác thải nhựa?
Quan tâm về vấn đề rác thải nhựa, đại biểu Lê Quân (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng làm rõ thời điểm có thể quy định cấm hoặc hạn chế, đánh thuế phí cao đối với việc sử dụng rác thải nhựa, đặc biệt là trong các sinh hoạt, tiêu dùng?
Bên cạnh đó, đại biểu băn khoăn có nên có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp và người dân, nhà khoa học đầu tư sản phẩm thay thế để hạn chế sử dụng rác thải nhựa hay không?
Về rác thải nhựa, bộ cùng với các địa phương đã thực hiện xử lý rác thải nhựa phân loại. Tuy nhiên vẫn còn có những khó khăn trong phân loại rác; các địa phương đang lo lắng về việc thu gom xử lý trong khi thiếu các nhà máy xử lý về vấn đề này. Liên quan đến vấn đề polymer nhựa, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những chỉ đạo phù hợp, kịp thời.