Với những Người có uy tín của Hà Nội, được đi thăm quan các di tích lịch sử hào hùng của dân tộc, tìm hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, ẩm thực của đồng bào dân tộc ở các tỉnh Tây Bắc là một cơ hội và sự trải nghiệm đầy bổ ích, ý nghĩa.
Bà Nguyễn Thị Mai, dân tộc Mường, thôn Quê Vải, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất nói: “Với mong muốn được giao lưu học hỏi những kinh nghiệm hay trong phát triển kinh tế-xã hội, nên tôi đã quyết tâm tham dự chuyến đi lần này. Được đi giao lưu học tập kinh nghiệm, chắc chắn, chúng tôi sẽ mở mang tầm mắt, sẽ học hỏi được nhiều điều hay, cũng như cách làm ăn mới ở địa phương bạn. Chuyến đi thực sự bổ ích với các đại biểu là người DTTS từ những điều đơn giản nhất…”.
Đến với những địa danh ở khu vực Tây Bắc, các thành viên trong Đoàn đã được lãnh đạo Ban Dân tộc các địa phương đón tiếp chu đáo, nhiệt tình. Các đại biểu đã được tới thăm các di tích lịch sử như nhà tù Sơn La; Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; hầm chỉ huy tướng Đờ Cát; Đài tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong ở ngã ba Cò Nòi; Tượng đài kéo pháo Điện Biên Phủ; Thủy điện Sơn La; Thủy điện Thác Bờ; Cửa khẩu Ma Lù Thàng; Cửa khẩu Hà Khẩu... Cùng với đó là những buổi giao lưu với Ban Dân tộc các tỉnh Tây Bắc để cùng trao đổi những kinh nghiệm trong thực hiện công tác dân tộc, đặc biệt là việc phát huy vai trò của Người có uy tín ở các địa phương.
Trong suốt hành trình đi thăm quan, học hỏi, nhiều câu chuyện phổ biến về kinh nghiệm sản xuất, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả, năng suất cao giữa những Người có uy tín ở các xã dân tộc, miền núi đã được chia sẻ một cách rôm rả, nhiệt tình… Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Nghĩa, dân tộc Mường, thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì về cách chia sẻ bảo tồn giống cây thuốc Nam và cách gây dựng được những bài thuốc của riêng mình từ những bài thuốc gia truyền được kế thừa, phát triển đã được nhiều thành viên trong Đoàn chú ý.
Ông Nghĩa nói: “Trong chữa bệnh cần cải thiện những phương thuốc dân gian để trị bệnh được tận gốc. Với kinh nghiệm được truyền từ đời này qua đời khác, tôi thường chữa những bệnh như thấp khớp, sỏi thận, dạ dày, viêm phổi, trẻ em bị ho lâu ngày đã chữa thuốc Tây nhưng không khỏi...”.
Cách tích lũy của ông Nghĩa đã được nhiều người quan tâm và rất có thể sẽ được nhiều Người có uy tín tuyên truyền, phổ biến ở địa phương mình.
Không chỉ chia sẻ về những kinh nghiệm trong xóa đói giảm nghèo, bảo tồn văn hóa, nhiều nội dung về các chuyên đề: chủ trương chính sách về công tác dân tộc giai đoạn 2016 -2020; kỹ năng hòa giải cơ sở; tuyên truyền vận động cho Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn… cũng đã được nhiều thành viên trong Đoàn và các địa phương thảo luận sôi nổi trong các buổi giao lưu, tọa đàm.
Với mỗi đại biểu Người có uy tín được tham gia hành trình sẽ mãi là chuyến đi bổ ích, ấn tượng. Chuyến đi cũng đồng thời khẳng định sự quan tâm của TP. Hà Nội, của cơ quan chức năng đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS của Thủ đô. Những tình cảm ấm cúng, những kinh nghiệm quý báu trong thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc… tại mỗi địa phương sẽ trở thành điểm nhấn, động lực thúc đẩy mỗi đại biểu Người có uy tín phát huy hơn nữa vai trò của mình đối với cộng đồng, góp tiếng nói quan trọng trong công cuộc dựng xây quê hương ngày càng phát triển.
ĐỖ VƯỢNG - MỸ HẠNH