Người cán bộ văn hóa nhiệt tình, trách nhiệm
Quê gốc ở xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai (Lào Cai), từ nhỏ, Giàng A Hải đã yêu mến tha thiết bản sắc văn hóa dân tộc mình. Anh cho biết: “Mình từng được học tập tại Trường Hữu nghị Việt-Lào, sau đó thi đỗ vào Trường Đại học Văn hóa Hà Nội để rồi được gắn bó, cống hiến trong ngành Văn hóa của tỉnh và hiện nay là cán bộ Đội thông tin lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông huyện Bắc Hà.
Nơi Giàng A Hải đang công tác là huyện vùng cao 30A thuộc diện khó khăn của tỉnh, DTTS chiếm 81%, trong đó dân tộc Mông chiếm khoảng 44% dân số. Đội Thông tin lưu động nơi anh đang gắn bó có nhiệm vụ đưa thông tin về cơ sở, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của quần chúng Nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua lời ca, tiếng hát, điệu múa…
Đảng viên Giàng A Hải tâm sự: “Những vở kịch Đội thông tin dàn dựng mang đi tuyên truyền tại cơ sở tập trung vào các chủ đề: Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Chung tay xây dựng nông thôn mới, thực hiện tiêu chí vệ sinh môi trường nông thôn, trọng tâm là đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống… Bản thân mình cảm thấy rất vui khi mỗi đêm diễn có đông bà con đến xem, cổ vũ".
Hiện tại, Giàng A Hải đang đảm trách cương vị Bí thư Chi đoàn Thanh niên Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Truyền thông huyện, với nhiệt huyết, sức trẻ của mình, anh đã cùng các đoàn viên, thanh niên cơ quan xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh toàn diện.
Nỗ lực lưu giữ tiếng khèn Mông
Mới đây nhất, với mong muốn góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc Mông địa phương gắn với phát triển du lịch, Giàng A Hải đã đứng ra vận động, thành lập CLB khèn Mông Bắc Hà. Anh cho biết: “CLB ra mắt ngày 31/8/2020 với 34 thành viên, người cao tuổi nhất là 60 tuổi và ít tuổi nhất 9 tuổi, cùng có chung niềm đam mê với văn hóa dân tộc Mông, với cây khèn…”.
Việc thành lập CLB xuất phát từ mong muốn “cha truyền con nối” để thế hệ trẻ hôm nay biết trân quý nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, từ đó phát huy di sản văn hóa dân tộc để phục vụ du lịch. Việc làm của Giàng A Hải đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Hội Liên hiệp Thanh niên huyện và lãnh đạo cấp ủy chính quyền địa phương.
Nhiều nghệ nhân cao tuổi của xã Bản Phố có sự am hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc Mông Bắc Hà đã tin tưởng, ủng hộ Giàng A Hải. Họ dù tuổi tác đã cao vẫn nhiệt tình, tích cực truyền dạy lại các bài khèn, cách trình diễn nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân Lý Seo Phỏng, 62 tuổi, xã Bản Phố phấn khởi cho biết, múa khèn Mông là loại hình trình diễn dân gian độc đáo đã có từ lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bắt nguồn từ phong tục và tập quán mà khèn Mông có rất nhiều chủ đề và phương thức biểu diễn để đồng bào thổ lộ tâm tư. Có tiếng khèn vui mời gọi bạn đi chơi xuân, đi Lễ hội Gầu tào, đi xuống chợ. Cũng có cả tiếng khèn buồn tiễn đưa người đã khuất sang bên kia thế giới…
“Những năm qua, nét văn hóa độc đáo này đang có nguy cơ mai một dần, do vậy việc CLB khèn Mông nỗ lực bảo tồn, gìn giữ là điều cần thiết, chúng tôi thấy rất mừng, rất ủng hộ. Tôi sẽ mang tất cả những gì đã biết để truyền thụ lại cho các thành viên CLB để từng bài khèn, điệu khèn không bị mai một..”, nghệ nhân Lý Seo Phỏng bộc bạch.
CLB khèn Mông Bắc Hà vừa khai giảng lớp dạy khèn Mông đầu tiên với 41 thành viên tham gia, độ tuổi từ 8-30, trong đó chủ yếu là các cháu học sinh tiểu học, THCS ở xã vùng cao Bản Phố (Bắc Hà). Lớp học diễn ra vào buổi tối tại Nhà văn hóa thôn Bản Phố 2A và dự kiến kéo dài khoảng 9 tháng. Sau khi kết thúc, mỗi học viên có thể thuần thục khoảng hơn 30 bài khèn theo nghi lễ chính của dân tộc Mông, sau đó căn cứ vào sự kiên trì và tố chất, học viên có thể học thêm để nâng cao tay nghề.
Việc thành lập CLB khèn Mông Bắc Hà của Bí thư Chi đoàn Giàng A Hải được tập thể cơ quan, đặc biệt là Hội Liên hiệp Thanh niên huyện đánh giá cao. Anh Lý Seo Thồng, Bí thư Huyện đoàn Bắc Hà nhận xét: “Giàng A Hải là một đảng viên trẻ tiêu biểu nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của Đoàn. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực, phấn đấu của cá nhân đồng chí, trước hết là việc kết nối, chung tay san sẻ yêu thương đến với đồng bào nghèo vùng cao, sau đó là việc thành lập CLB khèn Mông gắn với phát triển du lịch địa phương. Đây là việc làm rất có ý nghĩa để bảo tồn, gìn giữ các nét đẹp văn hóa của đồng bào Mông. …”