Hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người dân
Đầu năm 2024, gia đình chị Lê Thị Minh ở thôn 11, xã Nam Dong, huyện Cư Jút được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện với 50 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo. Có vốn, gia đình chị đã đầu tư mua 50 con dê giống về chăn nuôi. Hiện nay, quá trình chăn nuôi đang diễn ra khá thuận lợi.
Theo tính toán của chị Minh, nếu thuận lợi, đến cuối năm 2024, gia đình chị sẽ xuất bán từ 1 - 2 lứa dê. Nguồn lợi nhuận từ nuôi dê, gia đình chị sẽ tái đầu tư vào chăm sóc vườn rẫy, cây ngắn ngày và nuôi thêm heo thịt. “Từ nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ kịp thời nên gia đình khá thuận lợi trong quá trình đầu tư chăn nuôi. Điều này góp phần rất lớn để gia đình hạn chế tình trạng phải đi vay ngoài lãi suất cao để đầu tư vào sản xuất như những năm trước”, chị Minh chia sẻ.
Hay như ở huyện Đắk Song, đầu năm 2024, nhiều gia đình cũng đã vay được vốn ưu đãi từ NHCSXH. Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng ở thị trấn Đức An đã được vay vốn ưu đãi để chăn nuôi heo thịt và bước đầu mang lại hiệu quả cao. Anh Hoàng chia sẻ: “Đời sống người dân hiện nay chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nay, giá nông sản cao, người dân phấn khởi. Đặc biệt, có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH nên chúng tôi mạnh dạn đầu tư thêm chăn nuôi”.
Theo anh Hoàng, nguồn vốn vay từ NHCSXH vừa ưu đãi lãi suất, thời gian vay dài nên nông dân đỡ gánh nặng trả gốc, lãi. Hồ sơ vay vốn đơn giản, thuận tiện nên hỗ trợ rất lớn cho bà con nông dân nghèo.
Đẩy mạnh rà soát nhu cầu vốn vay
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông, đầu năm là thời điểm người dân rất cần vốn tái đầu tư cây trồng. Với phương châm không để người dân lỡ thời điểm đầu tư, đơn vị tham mưu cho ban đại diện, chính quyền các địa phương đẩy mạnh rà soát nhu cầu vay vốn tại cơ sở. Trong đó, chi nhánh sẽ ưu tiên các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ gặp khó khăn tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Chi nhánh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra sau cho vay. Qua đó, vừa hạn chế rủi ro sau khi vay vốn, vừa hướng dẫn, hỗ trợ hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, giúp người dân phát huy hiệu quả nguồn vốn cao nhất. Cùng với rà soát, giải ngân vốn vay kịp thời, nhiều biện pháp như: gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ… được ngân hàng thực hiện cụ thể. Thông qua các giải pháp này, các hộ vay vốn một phần giảm bớt gánh nặng, yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông cho biết: Đến hết tháng 3/2024, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trên 4.413 tỷ đồng, tăng 133 tỷ đồng so với cuối năm 2023, với gần 72.400 hộ gia đình còn dư nợ. Đặc biệt, chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2024, doanh số cho vay tại chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt trên 372 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có 7.545 lượt hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách được tiếp cận. Nhiều chương trình có doanh số cho vay cao như: cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Để nguồn vốn vay ưu đãi phát huy hiệu quả, chi nhánh đã đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra sau cho vay. Phấn đấu làm sao vừa hạn chế rủi ro sau khi vay vốn, vừa hướng dẫn, hỗ trợ hộ vay sử dụng đúng mục đích, giúp bà con phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ở mức cao nhất.
Phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, thời gian tới, NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, các Chương trình, Nghị quyết và xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hằng năm, bố trí nguồn vốn ngân sách để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương và ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, tập trung nguồn lực đẩy mạnh công tác cho vay, tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng nhằm đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn ưu đãi của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân; phối hợp hiệu quả, lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách gắn với các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật… Qua đó, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả, nâng cao nguồn thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.