Diện tích tăng nhanh
Huyện Đăk Mil là một trong những địa phương có diện tích cây ăn quả lớn của tỉnh Đăk Nông. Toàn huyện có khoảng hơn 1.100ha cây ăn quả gồm các loại như xoài, sầu riêng, bơ... Các loại cây này đang cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ cao trong canh tác, hướng đến các tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững.
Gia đình bà Đỗ Thị Thúy, thôn Tân Lợi, xã Đăk Gằn có 1,5ha xoài trồng theo tiêu chuẩn VietGAP chủ yếu xoài Đài Loan nên năng suất rất cao. Tháng 5 là thời điểm thu hoạch xoài chính vụ, thương lái vào tận vườn thu mua. Bà Thúy dự kiến mùa vụ này vườn xoài cho hơn 2 tấn quả, với giá bán hiện tại 20.000, trừ chi phí, lứa xoài này gia đình bà cũng thu được hơn 400 triệu đồng.
Ngoài làm xoài chính vụ, bà còn sản xuất xoài trái vụ để bán dịp Tết. Một năm 2 vụ, vườn xoài của gia đình bà cho khoảng 40 tấn quả, thu về 800 triệu đồng. Bà Thúy chia sẻ: So với trồng cà phê, tiêu thì trồng xoài đỡ vất vả hơn mà thu nhập lại ổn định. Đặc biệt, mấy năm nay thời tiết biến đổi khắc nghiệt, vùng này thường xuyên bị hạn thì trồng xoài thích hợp nhất vì không cần tưới nhiều và khả năng chịu hạn cao.
Theo báo cáo, hiện xã Đăk Gằn có khoảng 800 ha xoài các loại, sản lượng khoảng 2.400 tấn/năm. Xoài đánh giá phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương, giúp dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả. Xã đã vận động, hỗ trợ bà con thành lập Tổ hợp tác trồng xoài thôn Tân Lợi, với tổng diện tích 20ha đã được cơ quan chuyên môn công nhận sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP.
Toàn tỉnh Đăk Nông hiện có gần 5.600ha cây ăn quả, tăng 2.000ha so với năm 2010, tăng mạnh nhất là sầu riêng, xoài và cam quýt. Các loại quả này đã có thương hiệu trên thị trường, bước đầu khẳng định phát triển cây ăn trái trên địa bàn huyện là phù hợp xu hướng.
Mô hình trồng ổi Trân Châu Đài Loan ở thôn 8, xã Quảng Khê của gia đình chị Ứng Thị Ngọc cũng là một minh chứng. Với 750 cây trồng trên đỉnh quả đồi diện tích 1,5ha, những cây ổi trĩu quả kích cỡ khác nhau được bọc kín trong lớp xốp và nilon và cột thun đầu cuống rất cẩn thận được áp dụng công nghệ cao hoàn chỉnh trong chuỗi quy trình canh tác, bảo đảm cách ly với các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Phát triển lợi thế theo vùng
Tuy tăng về số lượng, nhưng nhìn chung việc sản xuất cây ăn quả của tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tính bền vững chưa cao, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, tính cạnh tranh thấp.
Định hướng đến năm 2030, tỉnh Đăk Nông sẽ quy hoạch phát triển diện tích cây ăn quả lên khoảng 18.500ha, cho sản lượng hơn 288 ngàn tấn. Để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, tỉnh đã xây dựng quy hoạch, hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Cụ thể, vùng trồng sầu riêng ở Đăk Mil, Gia Nghĩa; vùng trồng xoài ở Đăk Mil; vùng trồng cây ăn quả có múi ở Đăk G’long, Đăk Song và thị xã Gia Nghĩa; vùng trồng chanh dây ở Đăk R’lấp, Đăk G’long, Gia Nghĩa và vùng trồng bơ ở 6 địa phương Gia Nghĩa, Krông Nô, Đăk Song, Tuy Đức, Đăk Mil và Đăk R’lấp.
Bên cạnh đó, Đăk Nông xúc tiến xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm cây ăn quả đặc sản như sầu riêng Đăk Mil, xoài Đăk Gằn, quýt đường Gia Nghĩa, chanh dây Đăk G’long; chú trọng quảng bá tìm kiếm thị trường tiêu thụ, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm cây ăn quả...
Việc phát triển cây ăn quả theo vùng sẽ tạo ra lượng hàng hóa dồi dào hơn, dễ tập hợp nông dân theo các nhóm, hợp tác xã để liên doanh liên kết với nhau và với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Để phát huy tốt tiềm năng về cây ăn trái, tỉnh khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật bảo đảm sản phẩm an toàn tạo uy tín đối với người tiêu dùng, và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
LÊ HƯỜNG