Tỉnh Đắk Lắk có 129 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó có 54 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 70 xã khu vực I. Hiện toàn tỉnh có 454 thôn, buôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Năm 2024, giá trị tổng sản phẩm tỉnh Đắk Lắk ước đạt hơn 145 tỷ đồng, tăng 19,53% so với năm 2023; GRDP bình quân đầu người ước đạt 74,7 triệu đồng/người; huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt gần 37 tỷ đồng, tăng 4,02% so với năm 2023.
Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm 2,5%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 3,5%; lao động được đào tạo so với tổng số lao động ước đạt 64%; giải quyết việc làm cho khoảng 30.350 lao động, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 1.700 người. Đến cuối năm 2024, lũy kế có 81/149 xã đạt chuẩn nông thôn mới 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Xây dựng nông thôn mới…
Theo báo cáo tại Hội nghị, thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã cơ bản hoàn thành việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh giao thực hiện giai đoạn 2021 - 2025. Tổng vốn dự kiến giao thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 4.658 tỷ đồng. Kế hoạch phân bổ vốn năm 2024 là 1.714 tỷ đồng, trong đó: Vốn chuyển nguồn năm 2022 và 2023 sang năm 2024 là hơn 724 tỷ đồng, vốn năm 2024 là gần 990 tỷ đồng đồng.
Kết quả giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình từ năm 2022 - 2024 (số liệu lũy kế đến ngày 31/10/2024) là 1.409 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 54,0% kế hoạch.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, năm 2024 Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk triển khai hiệu quả các Nội dung, Tiểu dự án, Dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 được phân công.
Theo đó, năm 2024, Ban Dân tộc đã mở 4 lớp đào tạo bồi dưỡng tiếng dân tộc (tiếng Ê Đê) tại 4 huyện, thị xã với số lượng học viên 212 học viên; tổ chức 2 đoàn học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc và phía Nam; 8 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp và Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng, với 1.040 học viên; 1 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân, dân số và gia đình cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cho 120 học viên; 1 đoàn công tác đi học tập, trao đổi kinh nghiệm về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tại các tỉnh phía Bắc.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh cũng thực hiện đầy đủ chính sách đối với Người có uy tín như cấp phát báo, thăm hỏi Người có uy tín đau ốm, qua đời; tổ chức 2 lớp với số lượng gần 323 người tham dự.
Đặc biệt, năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã hướng dẫn, tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV năm 2024; tham mưu tổ chức thành công Hội thi tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2024.
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cũng thực hiện hiệu quả các Chính sách đầu tư và sử dụng nguồn lực viện trợ; chính sách đầu tư và phát triển bền vững (Chính sách cho hộ nghèo DTTS vay vốn); chương trình đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý…
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe nhiều tham luận, ý kiến của đại diện các ngành, địa phương đề xuất những giải pháp triển khai công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, định hướng nhiệm vụ năm 2025, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Kính chia sẻ: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, năm 2025, Ban Dân tộc tỉnh đề ra các giải pháp tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719; tập trung xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030, bám sát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các định hướng của Trung ương, của địa phương về xây dựng phát triển kinh tế - xã hội; chủ động nắm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đời sống, sản xuất tại vùng đồng bào DTTS;
Kịp thời tham mưu giải quyết tốt các vấn đề phát sinh nhằm ổn định vùng đồng bào DTTS; tiếp tục đổi mới, sắp xếp và nâng cao chất lượng hoạt động bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân tộc các cấp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc ở cơ sở để kịp thời tháo gỡ vướng mắc;…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh: Trong quá trình triển khai thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình MTQG 1719, đến giữa tháng 12 tỉnh đã giải ngân khoảng 54%.
Để triển khai thực hiện tốt hơn nữa công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian tới, các sở, ngành, rà soát thật kỹ lưỡng, đề xuất, kiến nghị để Ban Dân tộc tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Ủy ban Dân tộc, báo cáo Chính phủ làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và các địa phương.