Tảo hôn và HNCHT trong đồng bào DTTS đã diễn ra nhiều năm nay. Theo số liệu thống kê từ năm 2015 đến nay, tỉnh Đăk Lăk có trên 2.600 trường hợp tảo hôn. Riêng năm 2020, có 276 cặp vợ chồng tảo hôn rải rác ở tất cả các huyện, thị, thành phố, tập trung nhiều nhất là ở các huyện Krông Bông, Lăk, Ea Súp, M’drăk, Ea H’leo, TP. Buôn Ma Thuột…
Ea Rbin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lăk có tỷ lệ người DTTS chiếm hơn 90% dân số toàn huyện. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 50%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng chiếm 20%… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói và chất lượng dân số thấp là tình trạng tảo hôn, đông con, sinh dày và HNCHT vẫn còn diễn ra phổ biến. Theo báo cáo, từ năm 2016 đến nay, toàn xã có 20 trường hợp tảo hôn, số hộ sinh đông con cũng chiếm tỷ lệ lớn.
Sinh ra trong gia đình nghèo có 7 anh chị em, ở tuổi 16, Sùng Văn Hồng ở buôn Plao Siêng, xã Ea Rbin, huyện Lăk đã là ông bố trẻ của đứa con hơn 1 tuổi. Sống cùng bố mẹ và các em trong căn nhà ván chật chội, hằng ngày vợ chồng Hồng cùng bố mẹ đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Ngày mùa còn có người thuê làm. Thời gian nông nhàn công việc ít, hai vợ chồng lại lên đồi kiếm củi hoặc ra đồng cắt cỏ bán đong gạo. Cuộc sống kinh tế khó khăn cùng với tuổi đời còn non trẻ khiến vợ chồng Hồng thường xuyên cãi vã. “Ở cùng bố mẹ chật chội, đất đai không có để làm, việc làm thuê ở đây cũng ít, lo ăn từng bữa nên em chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ ra ngoài ở riêng”, Hồng chia sẻ.
Không chỉ vợ chồng Sùng Văn Hồng kết hôn sớm, buôn Plao Siêng vẫn còn nhiều cặp tảo hôn khác. Điển hình như Thào Thị Vừ mới học hết lớp 6 đã nghỉ học kết hôn, 14 tuổi Vừ đã sinh con khi chưa có chút kiến thức, hiểu biết về chăm con nhỏ. Mọi thao tác thay tã, cho con bú đều rất vụng về.
Ở buôn Plao Siêng, tình trạnh bỏ học lấy vợ, lấy chồng sớm và nhanh chóng trở thành những ông bố, bà mẹ khi tuổi còn nhỏ khá nhiều. Có gia đình, tự lo toan cuộc sống, nhiều bà mẹ trẻ mới sinh con được một vài tháng đã cõng con đi làm, cho con ăn, ngủ trên nương rẫy.
Bà Phạm Thị Ngọc Diệp, cán bộ dân số xã Ea Rbin chia sẻ: Hiện nay, tình trạng tảo hôn, đông con rất phổ biến, chủ yếu xảy ra ở các hộ gia đình đồng bào DTTS. Nguyên nhân do nhận thức, hiểu biết về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình còn hạn chế. Thêm vào đó, đồng bào DTTS còn giữ tập quán lạc hậu, con mới 13, 14 tuổi đã bắt lấy chồng, cưới vợ nếu không sẽ bị coi là ế. “Chúng tôi cùng với cán bộ đoàn, Hội Phụ nữ thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về tảo hôn và HNCHT, đến từng nhà vận động bà con nhưng đâu lại về đó”, bà Phạm Thị Ngọc Diệp nói.
Chúng tôi cùng với cán bộ đoàn, Hội Phụ nữ thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền về tảo hôn và HNCHT, đến từng nhà vận động bà con nhưng đâu lại về đó”.
Bà Phạm Thị Ngọc Diệp, cán bộ Dân số xã Ea Rbin, huyện Lăk.
Ở nhiều địa phương khác, tình trạng tảo hôn và HNCHT cũng diễn ra phổ biến. Điển hình như thôn Ea Sanh được coi là điểm nóng về tảo hôn của xã Cư San, huyện M’Đrăk. Chỉ trong năm 2020, thôn này đã có 5 trường hợp tảo hôn đều là đồng bào Mông. Hay như xã Cư Pui, huyện Krông Bông chủ yếu đồng bào Mông di cư từ phía Bắc vào, mỗi năm vẫn có hàng chục trường hợp tảo hôn.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk, mặc dù tình trạng tảo hôn và HNCHT có chiều hướng giảm trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn ở mức cao, chủ yếu ở các thôn, buôn vùng III, đặc biệt khó khăn. Kết quả điều tra 53 DTTS năm 2019 cho thấy, Đăk Lăk có tỷ lệ tảo hôn gần 29% và 1.815 người kết hôn cận huyết thống. Tình trạng tảo hôn và HNCHT tập trung ở các dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Mông, Mnông…