Theo báo cáo Chính trị tại Đại hội, Quảng Ngãi có trên 30 DTTS sinh sống, trong đó có 4 dân tộc chính là Kinh, Hrê, Co và Cadong. Đồng bào DTTS của tỉnh có 51.324 hộ với 194.369 khẩu, chiếm 14,90% dân số toàn tỉnh. Hầu hết các huyện, thành phố của tỉnh đều có đồng bào DTTS cư trú. Tuy nhiên, địa bàn tập trung chủ yếu là khu vực miền núi, vùng cao của tỉnh.
Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có truyền thống yêu nước, đoàn kết gắn bó và một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ; kiên cường, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đã làm nên các cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi mở đầu cho phong trào đồng khởi ở miền Nam, góp phần viết nên những trang sử hào hùng, vẻ vang của quê hương Quảng Ngãi và dân tộc Việt Nam.
Trong lao động sản xuất và đời sống, đồng bào các DTTS trong tỉnh luôn cần cù, chịu khó, sáng tạo; kiên trì, bền bỉ vượt qua khó khăn thách thức để tồn tại và phát triển; mỗi dân tộc có những phong tục tập quán riêng đã tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng và độc đáo được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi tiếp tục phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục duy trì ổn định. Thu nhập bình quân của hộ DTTS năm 2018 ước đạt 24 triệu đồng/người/năm. Đến cuối năm 2018 toàn tỉnh có 33.381 hộ nghèo (tỷ lệ 9,39%); trong đó hộ nghèo DTTS là 18.228 hộ (tỷ lệ 54,61%). Riêng, 6 huyện miền núi cuối năm 2018 có 19.633 hộ nghèo (tỷ lệ 31,44%). Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới là 98,7%; Tỷ lệ hộ có phương tiện nghe, nhìn là 90%; Tỷ lệ hộ có thẻ bảo hiểm y tế là 89%, trong đó số hộ DTTS đạt trên 90%; 100% xã ở vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã thông suốt 4 mùa...
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương đồng bào các DTTS trong tỉnh đã tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, năng động, sáng tạo thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được, nhất là phát triển kinh tế -xã hội trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực thực hiện Quyết tâm thư Đại hội lần thứ II, nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng lên rõ rệt, cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa thương mại và dịch vụ, giá trị sản xuất toàn vùng được nâng lên đáng kể. Bản sắc văn hóa vùng núi Ấn sông Trà được bảo tồn phát huy. Chính sách an sinh xã hội vùng đồng bằng DTTS được quan tâm.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh cũng chia sẻ với Đại hội một số thông tin. Sau rất nhiều nổ lực của Ban cán sự Đảng và lãnh đạo UBDT, sự phối hợp chặc chẽ của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và sự giúp đỡ của các bộ, ngành địa phương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 59-NQ/CP ngày 13/8/2019 thông qua Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và vùng núi. Thủ tướng chính phủ đã ủy quyền cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT ký Tờ trình với Quốc hội phê duyệt Đề án.
Theo đó sẽ xây dựng “Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi thực hiện từ năm 2021”. Đây là một dấu ấn đậm nét trong lịch sử công tác dân tộc.Triển khai thực hiện tốt chương trình này vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ có cơ hội phát triển mới. Vì vậy, chúng tôi rất mong Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trực tiếp là Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, tại kỳ họp thứ 8 tới đây ủng hộ để Quốc hội phê duyệt Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên.
Ghi nhận những thành xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước,Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 1 cá nhân; Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 19 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tặng Bằng khen cho 31 tập thể và 52 cá nhân.
Đại hội đã thông qua danh sách và ra mắt Đoàn đại biểu dự Đại hội Đại biểu các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 gồm 16 đại biểu.