Dõi theo các phiên họp Quốc hội trong năm 2017, cử tri cả nước cảm nhận được tâm huyết của những đại biểu Quốc hội là người DTTS. Nhiều đại biểu DTTS phát biểu, chất vấn rất có “lửa”. Họ đã kiến nghị những chính sách và giải pháp căn cơ đối với vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) đề nghị Chính phủ rà soát nghiên cứu để tích hợp các chính sách và đầu tư hỗ trợ theo nguyện vọng của nhân dân vùng DTTS, miền núi, biên giới cho sát thực hơn. Đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) cho rằng, cần phải có sự tính toán kỹ, cân nhắc và có sự quan tâm thỏa đáng đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là người DTTS. Đại biểu Ksor Phước Hà (Gia Lai) tha thiết kiến nghị: “đối với vùng tập trung đông đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, ngân sách xin đừng bỏ quên họ”.
Chúng ta cũng không thể quên, tại Kỳ họp thứ 3, nhiều đại biểu DTTS đã đề nghị Quốc hội giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi. Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách nhưng chưa đạt được mục tiêu đề ra do thiếu nguồn lực. Đặc biệt, một số nơi còn thiếu sự quan tâm, đầu tư, hiệu quả thấp, lãng phí. Vì vậy, rất cần Quốc hội giám sát để có những quyết định, chính sách thiết thực, thỏa đáng hơn đối với vùng DTTS và miền núi hiện nay.
Ấn tượng hơn, với lời chia sẻ và nỗi niềm mong muốn gửi gắm trong phần trả lời chất vấn về những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại Kỳ họp thứ 2, ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định: Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành luôn dành sự ưu tiên cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.
“Bản thân tôi là người dân tộc ít người, sinh ra, lớn lên và có nhiều năm công tác ở vùng DTTS và miền núi nên tôi rất thấu hiểu và xin chia sẻ khó khăn, vất vả của bà con DTTS sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, cũng mong muốn đồng bào DTTS chúng ta đồng lòng, chung sức, chia sẻ khó khăn chung với Nhà nước; khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự ti; quyết tâm vượt qua chính mình, tìm tòi, học tập, thay đổi cách làm ăn để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm chia sẻ.
Có thể thấy, đại biểu Quốc hội DTTS đã phát huy vai trò đại diện cho cử tri vùng đồng bào DTTS, nói lên tiếng nói của đồng bào DTTS. Từ đó kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều cơ chế, chính sách để góp phần giúp vùng DTTS phát triển công bằng và hòa nhập.
Tuy nhiên, quá trình hoạt động đại biểu Quốc hội DTTS gặp không ít khó khăn, thách thức. Ông Hà Ngọc Chiến Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đã chỉ ra: khóa XIV có 60/86 đại biểu, chiếm 69,76% là đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu. Địa bàn, khu vực cư trú, sinh hoạt của cử tri là đồng bào các DTTS rộng lớn, chiếm hơn 2/3 diện tích cả nước, chủ yếu là là núi cao, khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; cơ sở hạ tầng thiết yếu vừa thiếu vừa không đồng bộ; địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai…
Nhiều đại biểu DTTS cũng băn khoăn, trên thực tế, mặt bằng dân trí của các DTTS nhìn chung còn thấp, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều khó khăn nên quá trình tiếp xúc cử tri phải mất rất nhiều công sức để đồng bào nắm được thông điệp đại biểu đưa ra.
Khó khăn, thách thức vẫn còn ở phía trước, nhưng với trách nhiệm và tình yêu đối với vùng DTTS, các đại biểu Quốc hội DTTS đã và sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình để vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cũng đã đặt niềm tin đối với các đại biểu Quốc hội DTTS sẽ góp thêm những thành tích, dấu mốc mới cho lịch sử Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; xứng đáng với niềm tin yêu, hy vọng của cử tri cả nước và cử tri vùng miền núi, vùng DTTS.
THANH HUYỀN