Những tập tục lạc hậu đang bị xóa bỏ
Nếu phải tìm một nét đặc trưng cho dân tộc Mông ở xứ Nghệ, thì có thể nói ngay rằng, đồng bào thường cư ngụ trên những bàn làng tít tắp núi cao. Ở cao và xa, thành ra, nhiều tập tục cũ một thời tồn tại dai dẳng, trở thành những rào cản vô hình, tác động xấu đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội trong cộng đồng người Mông.
Vấn nạn đau đầu một thời đối với các cấp ngành ở Nghệ An, chính là tục “bắt vợ”, đám cưới, đám tang với nhiều nghi lễ phức tạp, rất tốn kém. Ngay như đám tang, người Mông tổ chức rất nhiều thủ tục, thậm chí còn tốn kém hơn cả đám cưới. Nhiều đám tang để người chết trong nhà nhiều ngày, tổ chức nhiều nghi lễ rồi mới đưa đi chôn cất. Vì không được khâm liệm cẩn thận, lại để nhiều ngày trong nhà nên không tránh khỏi việc thi thể bốc mùi, gây mất vệ sinh và ảnh hưởng sức khỏe của người thân, họ hàng.
Việc học hành cũng gặp rất nhiều rào cản, tỷ lệ bỏ học, thất học cao; đặc biệt, trẻ em nữ rất ít được đến trường. Rào cản lớn nhất với người Mông, là suy nghĩ của các bậc làm cha mẹ chưa thấu đáo về việc học, họ có tâm lý không muốn con đi xa mình. Đối với nữ giới, người Mông quan niệm con gái là con nhà người ta, có đầu tư bao nhiêu thì cũng chẳng nhận được gì.
Nhiều vùng đất có người Mông sinh sống một thời như Mường Lống, Huồi Tụ, Na Ngoi… là “thủ phủ” của hoa anh túc ở xứ Nghệ… Đó cũng là lý do, nguyên nhân khiến tình hình an ninh trật tự ở nhiều địa phương tiềm ẩn nhiều phức tạp, cuộc sống luôn đối mặt với đói nghèo, lạc hậu, trì trệ.
Nhưng, với nhiều nỗ lực đến từ hệ thống chính trị và cả từ những người Mông tiên phong đổi mới, đến nay cộng đồng dân tộc thiểu số này đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Điển hình, từ sự nỗ lực tuyên truyền của nhà trường, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, số vụ “bắt vợ”, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết mỗi năm đã giảm đáng kể so với trước đây.
Còn đám tang, đám cưới cũng đã được rút gọn các nghi lễ cũng như số ngày tổ chức. Chủ tịch UBND xã Mường Lống (Kỳ Sơn) Và Chá Xà – một xã có 100% đồng bào Mông cho hay: Hiện nay đám tang của người Mông thường kéo dài không quá 2 ngày, chỉ những trường hợp đặc biệt có người thân ở xa không về kịp, thì mới chờ đến ngày thứ 3. Ngoài ra, sau khi mất, ngay trong ngày thi thể sẽ được bỏ vào quan tài, không còn bỏ trong cáng treo tường nhà. Gia đình cũng không phải mổ nhiều bò, nhiều lợn mà chỉ tổ chức tùy theo điều kiện kinh tế.
Hành trình đổi thay nhận thức về việc học của người Mông đến từ câu chuyện về lá thư của sinh viên năm nhất Lỳ Bá Thái. Tết của người Mông thường diễn ra trước tết Nguyên đán khoảng 1 tháng. Vậy là, học sinh người Mông thường nghỉ học liền 2 tháng để ăn tết Mông và tết Nguyên đán.
Theo lời anh Lỳ Bá Thái, Phó bí thư thường trực huyện ủy Kỳ Sơn kể: Năm 1994, khi đang là sinh viên năm nhất của Học viện Biên phòng, anh đã gửi thư cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để kiến nghị sáp nhập Tết cổ truyền người Mông với tết Nguyên đán. Cùng thời điểm đó, huyện Kỳ Sơn cũng ra Nghị quyết để sáp nhập Tết cổ truyền người Mông vào tết Nguyên đán. Đó là một bước đột phá lớn, và kể từ sau đó, số lượng con em người Mông được đến trường mới tăng dần.
Học hành được đảm bảo, nhận thức của nhiều thanh niên người Mông đã thay đổi, cùng với sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của cả hệ thống chính trị; những rẫy thuốc phiện đã được nhổ bỏ để thay vào đó là những đào, mận, là bò, trâu, dê… Đến khoảng những năm 2000, đồng bào Mông gần như không còn trồng cây anh túc.
Bản làng đổi mới
Xồng Bá Lẩu ở bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, là một trong những người trẻ nhưng giàu sớm. Có kiến thức, có sức trẻ, dễ dàng tiếp thu cái mới, chàng trai người Mông này đã tiên phong trong việc trồng đào đá để bán cành, cùng với đó là những mô hình trồng nghệ, gừng, chăn nuôi… mang lại thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
Còn ở bản Kẻo Bắc cũng thuộc xã Na Ngoi có ông Xồng Bá Tỉa, giờ đã là một trong những “đại gia” với tài sản là hơn 300 gốc đào đá, chưa kể trâu, bò, dê…, chỉ mỗi cái tết Nguyên đán thôi, ông Tỉa đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông Tỉa tâm sự: cũng nhờ sự quan tâm, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước bày vẽ cho dân trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp. Rồi những cái xấu thì phá bỏ, cái tốt thì phát huy nên đời sống bà con mới khấm khá.
Những “đại gia” miền sơn cước như ông Tỉa, anh Lẩu… đã và đang góp sức biến miền biên viễn tươi sáng hơn bằng những cây, con chủ lực trong phát triển kinh tế. Chỉ tính mươi năm trở lại đây, Na Ngoi đã có những bước đột phá mạnh mẽ về kinh tế. Đời sống của người dân đã nâng lên một cách rõ rệt, với hàng loạt mô hình kinh tế hiệu quả. “Na Ngoi bây giờ giàu rồi. Không như ngày xưa nữa đâu”, ông Mùa Bá Giờ – Chủ tịch UBND xã Na Ngoi hồ hởi khoe.
Không tin lời ông Giờ sao được khi dọc các tuyến đường trung tâm xã, những dãy hàng quán san sát nhau, nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Rồi, những ngôi nhà gỗ khang trang, bề thế cũng đua nhau mọc lên sau mỗi vụ thu hoạch đào, nghệ… mang đến cuộc sống no ấm cho bà con.
Xóa bỏ tư tưởng lạc hậu, tiếp cận cái mới, thay đổi tư duy, nhận thức… người Mông ở Tri Lễ, huyện Quế Phong đã trở thành những “triệu phú” miền biên viễn. Lỳ Nỏ Pó ở bản Pà Khốm là một trong số đó. Đi lên từ chăn nuôi, từ nuôi ít đến nuôi nhiều, ông Pó đang có trong tay 45 con bò, 25 con trâu (có thời điểm nuôi trên 100 con trâu bò). Hay như Thò Bá Thông ở bản Mường Lống xã Tri Lễ cũng có 40 con trâu đực, vài chục con trâu cái. Nhiều gia đình có nhà xây hiện đại, có ô tô bán tải như gia đình anh Thò Bá Bờ Lồng – Trưởng bản Tam Hợp…
Về Tri Lễ hôm nay, không chỉ được chứng kiến sự khởi sắc từng ngày của một xã vùng biên được biết đến là một trong những địa bàn khó khăn của khu vực miền Tây Xứ Nghệ mà còn thấy vui vì sự đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào các dân tộc trong giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới.
Minh chứng là, mặc dù có nhiều thành phần dân tộc (Mông, Thái, Khơ mú…) với các yếu tố địa bàn, truyền thống, phong tục, tập quán khác nhau, nhưng Tri Lễ đã thực hiện thành công việc sáp nhập từ 33 thôn bản xuống còn 16 thôn bản một cách thuận lợi, được cán bộ, đảng viên và người dân đồng thuận cao.
Trong lịch sử của người Mông ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, từ trước đến nay mọi công việc của bản làng đều do đàn ông con trai đảm nhận, phụ nữ không được phép tham gia. Vì vậy, việc Vừ Y Dở - một phụ nữ được bầu làm lãnh đạo của bản là điều chưa có tiền lệ, cũng là bước tiến bộ, thay đổi lớn của bản, thể hiện sự đổi mới tư duy trong suy nghĩ, nhìn nhận của người Mông nơi đây.
Giờ thì người Mông ở bản Lưu Thông đã thấy rằng, việc mình tin tưởng, lựa chọn Y Dở là hoàn toàn đúng. Bởi đó, không chỉ là người phụ nữ năng động với mô hình kinh tế nuôi bò nhốt đầu tiên tại bản, mà chị còn hướng dẫn người dân trồng lúa trên rẫy, trồng bí xanh, khoai sọ trên nương, trồng cỏ voi, chăm sóc rừng trồng rồi chăn nuôi, đào ao thả cá.
Không chỉ với vai trò một Bí thư Chi bộ, Y Dở còn là Chi hội trưởng Phụ nữ kiêm y tá của bản, đã cùng chị em tham gia tích cực nhiều phong trào Hội như "5 không, 3 sạch" (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật, không bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số và không để con em bỏ học hay bị suy dinh dưỡng; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), cũng như nâng cao nhận thức về hôn nhân - gia đình, các quy định về bảo đảm an ninh biên giới…