Có dịp trở lại buôn Tuor B, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana chúng tôi phấn khích khi thấy diện mạo buôn đã có nhiều đổi khác. Những ngôi nhà kiên cố, khang trang được xây dựng bên những vườn cây xanh mướt.
Đứng trước công trình đang xây dựng, ông Y Kun Kbuôr, Tổ trưởng Tổ hợp tác Xây dựng buôn Tuor B khoe với chúng tôi: Nhiều ngôi nhà của người dân trong buôn là công trình do anh em Tổ hợp tác chúng tôi xây dựng đấy. Nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, sự hỗ trợ cơ sở vật chất từ các chương trình, chính sách và ý chí vươn lên của các thành viên mà uy tín của Tổ ngày càng được người dân địa phương biết đến. Tổ không chỉ nhận công trình ở địa phương mà còn ở các địa phương lân cận khác.
Tổ hợp tác Xây dựng buôn Tuor B thành lập năm 2020 theo Nghị quyết 07/NQ-HU ngày 11/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Ana về phát triển kinh tế-xã hội các buôn đồng bào DTTS trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025 (gọi tắt là Nghị quyết 07). Trong gần 4 năm hoạt động, Tổ đã nhận thầu nhiều công trình xây dựng từ người dân trong buôn và khu vực. Tổ hợp tác có 12 tổ viên và khoảng 20 thợ phụ. Công việc đều, thu nhập ổn định, thợ phụ 250 nghìn/đồng ngày, thợ chính 350 nghìn/ngày.
Anh Y Ksơ Nghi, thành viên Tổ hợp tác chia sẻ: Được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề xây dựng và bồi dưỡng nâng cao tay nghề, anh em trong Tổ chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật xây dựng, tôi trở thành thợ chính, ngày công 350 nghìn đồng/ngày. So với trước đây chỉ mỗi làm rẫy, thì học nghề, làm nghề thu nhập ổn định, kinh tế gia đình khá hơn.
Không chỉ Tổ hợp tác xây dựng buôn Tuor B, huyện đã xây dựng 8 mô hình Tổ hợp tác xây dựng với 80 thành viên. Tất cả các tổ viên đều là người được học nghề và bồi dưỡng tay nghề theo các chương trình, chính sách dành cho đồng bào DTTS.
Chia sẻ với chúng tôi, bà H’Ban Niê Kdăm, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Krông Ana cho biết: Nghị quyết 07/NQ-HU hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất, nghề nghiệp và các mô hình được hỗ trợ đều phát huy hiệu quả rất tốt. Đồng bào DTTS được thụ hưởng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đời sống kinh tế ngày càng nâng lên. Trong đó, cái được nhất của Nghị quyết 07/NQ-HU là nội dung giải quyết việc làm tại địa phương sau đào tạo nghề.
Qua 4 năm thực hiện, chúng tôi nhận thấy các mô hình sát với nhu cầu của người dân và đạt hiệu quả tích cực. Các mô hình từ Nghị quyết 07 hoạt động hiệu quả đã góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, nếp nghĩ, cách làm của người dân, diện mạo các buôn ngày càng khởi sắc”.
Bà H’Yâo Knul, Bí thư Huyện ủy huyện Krông Ana
Con đường vào buôn Dur 1, xã Dur Kmăl thảm nhựa phẳng lì, xuyên qua những vườn cà phê trĩu quả. Dẫn chúng tôi thăm “Vườn cà phê Nghị quyết 07”, anh K’Nich, buôn Dur 1 phấn khởi nói: Vườn cà phê này được tái canh 3 năm theo hướng xen cây sầu riêng. Để chăm sóc tốt cho cây trồng, tôi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, thực hiện tái canh theo đúng quy trình, năm nay đã cho thu bói.
Từ những điều “mắt thấy, tai nghe”, chúng tôi hiểu rằng, người dân nơi đây đã thay đổi tập quán canh tác, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, chăm sóc bài bản, khoa học, nâng cao hiệu quả cây trồng. Chính sách dân tộc được huyện Krông Ana triển khai sâu rộng, sát với tình hình thực tế đã mang hiệu quả tích cực đến các buôn đồng bào DTTS. Trong đó, Nghị quyết 07/NQ-HU đã tạo thêm “cú hích” thúc đẩy vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.
Bí thư Huyện ủy huyện Krông Ana H’Yâo Knul chia sẻ: Huyện Krông Ana có 26 buôn đồng bào DTTS. Để nâng cao đời sống đồng bào DTTS, Huyện uỷ đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HU, hỗ trợ nhiều mô hình sản xuất, nghề nghiệp phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện sản xuất tại từng buôn. Qua 4 năm thực hiện, chúng tôi nhận thấy các mô hình sát với nhu cầu của người dân và đạt hiệu quả tích cực. Các mô hình từ Nghị quyết 07 hoạt động hiệu quả đã góp phần làm thay đổi tập quán canh tác, nếp nghĩ, cách làm của người dân, diện mạo các buôn ngày càng khởi sắc.