Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 10/1 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 89.997.564 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.932.846 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 64.385.539 người, 23.677.368 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 107.805 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (206.320 ca), Brazil (60.078 ca) và Anh (59.937 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.739 ca), tiếp theo là Brazil (1.141 ca) và Anh (1.035 ca).
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 380.984 ca tử vong trong tổng số 22.656.739 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 151.048 ca tử vong trong số 10.451.339 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 202.631 ca tử vong trong số 8.075.998 bệnh nhân.
Mỹ: Hơn 24.000 người tử vong trong 9 ngày đầu năm
Theo số liệu của Đại học John Hopkins, chỉ trong 9 ngày đầu năm 2021, nước Mỹ ghi nhận thêm 2.003.618 ca bệnh và 24.260 ca tử vong.
Trong khi đó, số liệu của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện tại 8 bang của nước này, trong đó California và Florida là những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngoài ra, các bang Colorado, Texas, New York, Georgia, Connecticut và Pennsylvania cũng "góp mặt" trong danh sách 63 trường hợp bệnh nhân nhiễm biến thể mới.
Hãng dược phẩm Pfizer tuyên bố "sẵn sàng tung ra hàng triệu liều vaccine mỗi ngày" để đáp ứng kế hoạch tiêm chủng của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Ông Biden nhắm mục tiêu sẽ phân phối toàn bộ số vaccine sẵn có sau khi nhậm chức, thay vì chiến lược giữ lại một nửa sản lượng vaccine để đảm bảo sẵn sàng mũi tiêm thứ hai cho những người đã tiêm mũi 1.
Hợp đồng hiện tại của Pfizer với chính phủ liên bang là cung cấp 200 triệu liều vaccine. Hãng cho biết tự tin vào năng lực cung cấp toàn bộ số lượng vaccine này cho tới ngày 31/7. Trong đó, năm 2020, hãng đã sản xuất 50 triệu liều.
Châu Âu - Pháp mở rộng quy mô giới nghiêm
Tại châu Âu, Thủ tướng Pháp Jean Castex đã quyết định mở rộng quy mô áp đặt lệnh giới nghiêm đối với 8 khu vực hành chính của nước này. Như vậy, 23 trên tổng số 101 tỉnh của Pháp thực hiện lệnh giới nghiêm từ 18h đến 6h, thay vì từ 20h như trước đây. Các tỉnh này phần lớn nằm ở miền Đông và Đông Nam, nơi tốc độ lây nhiễm ngày càng tăng nhanh và 21 ca nhiễm biến thể virus SARS-CoV-2 từ Anh đã được phát hiện trong 24 giờ qua.
Ông Castex nêu rõ đây là biện pháp "cứng rắn và cần thiết" nhằm đáp lại những ý kiến phản đối các lệnh hạn chế ở nhiều thành phố. Trước đó, Pháp đã áp đặt lệnh giới nghiêm sau 6 giờ tối tại 15 trong tổng số 101 khu vực hành chính của nước này, trong khi những khu vực còn lại áp dụng lệnh giới nghiêm sau 8 giờ tối.
Đức đã tiêm chủng cho nửa triệu người
Theo Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn, nửa triệu người trên khắp nước Đức đã được tiêm chủng phòng COVID-19. "Chúng tôi đang tiêm chủng mỗi ngày một nhiều hơn và quy trình đang ngày càng tốt lên", ông Spahn nói.
Đức ghi nhận số ca tử vong kỷ lục. Nước này trải qua ngày có ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bùng phát vào 8/1, khi có 1.188 người không qua khỏi.
Số ca bệnh tại Đức cũng tăng thêm 24.694 ca trong ngày 9/1, lên tổng số 1.891.581 ca.
Anh: Nữ hoàng và Công tước Edinburg tiêm phòng COVID
Nữ hoàng Anh, 94 tuổi và Công tước Edinburgh, 99 tuổi đã được tiêm phòng COVID-19, theo thông báo ngày 9/1 của Điện Buckingham. Hai mũi tiêm đều được thực hiện bởi bác sĩ Hoàng gia, trong lâu đài Windsor.
Anh đã ghi nhận tổng cộng hơn 3 triệu ca mắc COVID-19, sau khi chính phủ nước này công bố 59.927 ca mắc mới và 1.035 trường hợp tử vong trong ngày 9/1. Số ca tử vong do COVID-19 trong ngày 9/1 đã nâng tổng số người chết tại Anh do dịch bệnh lên con số 80.868 người. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Anh và Italy là hai quốc gia có số ca tử vong vì OCVID-19 cao nhất tại châu Âu.
Đan Mạch hạn chế nhập cảnh
Đan Mạch cũng đã quyết định hạn chế nhập cảnh từ tất cả các quốc gia và khuyến cáo người dân không đi ra nước ngoài nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đan Mạch chỉ cho phép hạ cánh đối với những chuyến bay mà tất cả hành khách đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi lên máy bay. Quy định này áp dụng với cả người nước ngoài cũng như công dân Đan Mạch, và có hiệu lực từ 17h chiều 9/1. Theo đó, các hãng hàng không phải có trách nhiệm kiểm tra giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm của hành khách. Trong khi đó, các chuyến bay nội địa cũng như những chuyến bay từ các đảo Greenland và Faroe sẽ được miễn. Những hành khách nhập cảnh vào Đan Mạch bằng đường bộ và đường biển cũng phải xuất trình giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và có lý do hợp lý.
Hy Lạp gia hạn phong toả toàn quốc
Chính phủ Hy Lạp đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc thêm một tuần đến ngày 18/1 tới, nhằm ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới. Theo quyết định trên, chỉ có trường tiểu học và mẫu giáo trên cả nước Hy Lạp được phép mở cửa trở lại. Học sinh các cấp bậc còn lại phải học trực tuyến. Trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ, tiệm làm tóc, hiệu sách và những địa điểm tín ngưỡng vẫn phải đóng cửa. Hy Lạp cũng tiếp tục áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Người dân nước này được phép ra khỏi nhà vì lý do công việc hoặc sức khỏe...
Hiện Hy Lạp ghi nhận tổng cộng 143.494 ca nhiễm, trong đó 5.195 ca tử vong do bệnh COVID-19. Nước này ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 7/11/2020 và đã được gia hạn 4 lần do số ca nhiễm và tử vong mới tiếp tục gia tăng.
Thuỵ Điển khống chế người tham gia sự kiện
Trong khi đó, Thụy Điển cũng ban hành quy định hạn chế số người tham gia các sự kiện tư nhân sau khi số ca nhiễm mới tăng vọt. Theo đó, các sự kiện tư nhân chỉ được phép tập trung tối đa 8 người. Tại các không gian kín như phòng tập gym, nhà tắm công cộng hay cửa hàng vẫn phải hạn chế nghiêm ngặt số người có mặt cùng lúc. Tuy nhiên, việc đóng cửa các cửa hàng bách hóa lớn hay trung tâm thương mại có thể được áp đặt nếu nguy cơ lây nhiễm cao và các biện pháp hạn chế hiện nay là chưa đủ để kiềm chế dịch bệnh. Thụy Điển hiện ghi nhận tổng số 489.471 ca nhiễm, trong đó 9.433 người không qua khỏi do bệnh COVID-19./.
Châu Á - Trung Quốc: Tiếp tục lây nhiễm cộng đồng ở Thạch Gia Trang
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo Trung Quốc đại lục có thêm 33 ca nhiễm mới, trong đó có 16 ca nhập cảnh và 17 ca lây nhiễm trong cộng đồng, không có ca tử vong trong ngày 8/1. Trong số 17 ca lây nhiễm trong cộng đồng có 14 ca ở Hà Bắc (Hebei) và 3 ca ở Liêu Ninh. Riêng tại tỉnh Hà Bắc, toàn bộ các ca nhiễm mới đều ở thành phố Thạch Gia Trang. Từ ngày 8/1, tỉnh Hà Bắc đã điều chỉnh mức độ cảnh báo rủi ro thêm 9 khu vực thành khu vực có nguy cơ trung bình. Quận Cảo Thành, thành phố Thạch Gia Trang vẫn là khu vực có nguy cơ cao. Trung Quốc sẽ triển khai thêm nhiều biện pháp kiểm soát và ngăn chặn đại dịch COVID-19 chặt chẽ hơn trong bối cảnh xuất hiện nguy cơ cao hơn về việc lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong giai đoạn cuối Đông đầu Xuân, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
Nhật Bản siết chặt kiểm soát biên giới
Kể từ ngày 9/1, Nhật Bản sẽ siết chặt hơn các quy định kiểm soát biên giới bằng cách yêu cầu tất cả những người nhập cảnh trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành đến Nhật Bản. Biện pháp này sẽ được áp dụng đối với những người nhập cảnh vào nước này từ ngày 13/1 và sẽ có hiệu lực cho tới khi lệnh tình trạng khẩn cấp thứ hai, được công bố hôm 7/1, được dỡ bỏ. Lệnh tình trạng khẩn cấp tại Nhật Bản sẽ có hiệu lực đến ngày 7/2. Tính đến tối 9/1, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 281.992 trường hợp mắc COVID-19, tăng 7.109 người so với một ngày trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong do căn bệnh này là 4.020 người, tăng thêm 44 trường hợp.
Ấn Độ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng tuần tới
Chính phủ Ấn Độ cho biết nước này sẽ bắt đầu triển khai công tác tiêm chủng ngừa COVID-19 vào ngày 16/1 tới. Các nhân viên y tế và những người hoạt động ở tuyến đầu phòng chống dịch bệnh (ước tính khoảng 30 triệu người) sẽ là những đối tượng được ưu tiên tiêm phòng, tiếp đó là những người trên 50 tuổi và các nhóm dân số dưới 50 tuổi có tiền sử bệnh lý.
Thái Lan: Số ca bệnh vượt ngưỡng 10.000 người
Số các ca mắc bệnh COVID-19 tại Thái Lan đã vượt ngưỡng 10.000 trường hợp, trong bối cảnh giới chức y tế nước này hy vọng làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ giảm bớt vào cuối tháng này.
Ngày 9/1, Chính phủ Thái Lan ghi nhận thêm 212 ca mắc COVID-19, trong đó có 187 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 6 ca là lao động nhập cư và 19 ca ngoại nhập, nâng tổng số các ca nhiễm ở nước này từ trước tới nay lên 10.053 trường hợp, trong đó có 67 bệnh nhân tử vong.
Đến nay đợt bùng phát COVID-19 mới đã lây lan ra 58/77 tỉnh, thành của Thái Lan. Tuy nhiên Bộ Y tế nước này tin rằng đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai có khả năng sẽ chậm lại vào cuối tháng này.
Chính phủ Thái Lan đã đặt 5 tỉnh trong "vùng đỏ" có số lượng lây nhiễm cao nhất là Chanthaburi, Chon Buri, Trat, Rayong và Samut Sakhon vào diện kiểm soát tối đa. Nhằm đẩy mạnh những nỗ lực kiềm chế dịch bệnh, Chính phủ Thái Lan đã phân bổ cho Bộ Y tế 4,66 tỷ baht (khoảng 155 triệu USD) từ ngân sách trung ương để giúp chống lại đợt bùng phát mới.
Philippines: Ca nhiễm mới lại tăng lên gần 2.000 người
Cùng ngày 9/1, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này đã ghi nhận thêm 1.952 trường hợp mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 485.797 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở Philippines hiện đã là 9.398 trường hợp, sau khi ghi nhận 34 ca mới. Nước này cũng đã có thêm 291 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số trường hợp được điều trị khỏi lên 449.615 trường hợp.
Hiện quốc gia khoảng 110 triệu dân này đang nỗ lực thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch bệnh. Philippines cũng đang xem xét để cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp 3 loại vaccine tiềm năng ngừa COVID-19, bao gồm vaccine Sputnik V của Nga, vaccine do Pfizer (Mỹ) bào chế cùng vaccine của hãng AstraZeneca (Anh). Chính phủ nước này hiện đang trong quá trình đàm phán với 7 hãng dược phẩm với mục tiêu đảm bảo tối thiểu 148 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và có thể triển khai tiêm phòng cho khoảng 50 - 70 triệu người dân trong năm nay.
Malaysia có thể cấm đi lại liên bang
Theo tờ Straits Times, Bộ trưởng Y tế Malaysia, Adham Baba ngày 9/1 cho biết hoạt động đi lại liên bang và liên quận có thể bị siết chặt trong nỗ lực giảm ca lây nhiễm COVID-19. Thủ tướng Muhyiddin Yassin dự kiến sẽ công bố chính thức về quyết định này vào ngày 11/1.
Thông tin này được đưa ra sau khi Malaysia ghi nhận con số kỷ lục 16 ca tử vong trong ngày 8/11, và cũng đang có số lượng bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt cao nhất.
Ngoài biện pháp siết chặt đi lại, Bộ Y tế Malaysia cũng khuyến cáo Uỷ ban An ninh quốc gia thực hiện nghiêm ngặt hơn các quy trình tuân thủ tiêu chuẩn phòng dịch COVID-19.
Ngày 9/1, Malaysia ghi nhận 2.451 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 133.559 trường hợp, bao gồm 542 ca tử vong.
Indonesia: Nguy cơ không đủ ngân sách để giải cứu nền kinh tế
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết một khoản tiền lớn chưa từng thấy đã được đổ vào nền kinh tế vào năm ngoái để duy trì hoạt động kinh doanh và ứng phó với đại dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo rằng ngân sách nhà nước có giới hạn và không thể một mình giải cứu nền kinh tế.
Thâm hụt ngân sách nhà nước năm 2020 của Indonesia đã tăng lên mức kỷ lục 956.300 tỷ rupiah (69,07 tỷ USD) trong bối cảnh đại dịch COVID-19 buộc chính phủ phải chi tiêu một lượng tiền khổng lồ trong khi nguồn thu từ thuế giảm khi các hộ gia đình và doanh nghiệp phải vật lộn với suy thoái kinh tế.
Mức thâm hụt trên - tương đương 6,09% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và lớn gấp ba lần mức thâm hụt 348.700 tỷ rupiah một năm trước đó - nhấn mạnh những thách thức kinh tế mà quốc gia này phải đối mặt nhằm nỗ lực vượt qua cuộc suy thoái đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998./.