Tại buổi họp báo, một số nhà lãnh đạo đại diện cho 500 cộng đồng người bản địa (bao gồm Ecuador, Colombia, Brazil…) cho rằng, Chính phủ nhiều quốc gia Nam Mỹ đang không thực hiện lời hứa bảo vệ các nhóm người bản địa. Họ cảm thấy không được tôn trọng khi không được tham vấn về việc khai thác dầu và các dự án khai thác khác trong lãnh thổ của họ.
“Chúng tôi yêu cầu nhân loại hãy hỗ trợ chúng tôi trong cuộc chiến vì sự sống, vì nước, vì núi non, vì bản sắc của chúng tôi,” Jose Gregorio Diaz Mirabal, Điều phối viên của các tổ chức bản địa của lưu vực sông Amazon (COICA) cho biết.
Rừng mưa nhiệt đới Amazon là nơi sinh sống của rất nhiều loài động thực vật, nơi đây được các nhà nghiên cứu coi là "lá phổ của thế giới", là chìa khóa để hạn chế biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các cộng đồng bản địa ở lưu vực sông Amazon đang đối mặt với nhiều vấn đề như: Tràn dầu, phá rừng, ô nhiễm nguồn nước do khai thác hợp pháp và bất hợp pháp. Tất cả đều ảnh hưởng tiêu cực đến con người và động vật hoang dã.
Tại Ecuador, cuộc chiến chống lại các hoạt động của ngành công nghiệp khai thác dù khó khăn nhưng đã đạt được một số kết quả khả quan. Mới đây, Tòa án Hiến pháp của nước này đã đình chỉ giấy phép hoạt động của một dự án khai thác mỏ. Bên cạnh đó, vai trò của cộng đồng người bản địa cũng được đề cao hơn. Từ nay, bất cứ dự án nào thực hiện trên lãnh thổ và có ảnh hưởng đến đời sống của người bản địa sẽ yêu cầu phải có sự đồng ý trước mới được tiến hành.
Tuy nhiên, Marlon Vargas, Chủ tịch của tổ chức bản địa Ecuador Confeniae cho rằng, các phán quyết sẽ không giúp ích gì nếu không có hành động từ chính phủ - vốn coi các ngành công nghiệp khai thác đang phát triển như một phương tiện tài trợ cho nền kinh tế “ốm yếu”.
Vargas nói thêm: “Nếu chúng ta không dừng lại (việc mở rộng khai thác) thì sớm muộn thôi, toàn bộ lưu vực sông Amazon sẽ trở thành sa mạc”.