Để đánh giá kết quả giảm nghèo của năm 2016, Ngân hàng Thế giới đã phối hợp với Tổng cục Thống kê xây dựng Báo cáo cập nhật về đói nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam. Bản báo cáo trình bầy và phân tích những kết quả của cuộc Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2016, nhấn mạnh những tiến bộ của Việt Nam trong giảm nghèo và thúc đẩy chia sẻ thịnh vượng chung.
Theo báo cáo, nhiều hộ gia đình Việt Nam đang thoát nghèo và các thành tựu đạt được gần đây mang tính bền vững. Năm 2014, tỷ lệ nghèo chiếm 13,8%, đến năm 2016, tỷ lệ này giảm xuống còn 9,8%. Báo cáo ghi nhận 70% người dân Việt Nam hiện nay đã được bảo đảm về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới, hiện nhóm này đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 20% trong giai đoạn 2010-2017.
Những hộ nghèo nhất ở Việt Nam tập trung ở khu vực cao nguyên và miền núi. Gần 45% người DTTS vẫn sống trong cảnh nghèo, hộ gia đình DTTS chiếm tới 73% tổng số hộ nghèo trong năm 2016.
Báo cáo đưa ra một số lĩnh vực ưu tiên nhằm thúc đẩy giảm nghèo, bao gồm: Nâng cao năng suất lao động và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì việc làm và tăng lương; Cái cách giáo dục nhằm đảm bảo sự công bằng trong các cơ hội và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động; Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thông qua thay đổi mô hình sử dụng đất, tăng cường quyền sử dụng đất và nâng cao kỹ năng cho nông dân nghèo. Báo cáo cũng ghi nhận số người dễ bị tái nghèo đã giảm xuống chỉ còn 2% trong giai đoạn 2014-2016.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng đánh giá cao các kết quả của nghiên cứu, báo cáo sẽ là cơ sở quan trọng để Chính phủ, các Bộ, ngành làm căn cứ xây dựng các chính sách giảm nghèo bền vững phù hợp với thực tế của Việt Nam trong giai đoạn tới. Trong điều kiện nguồn lực ngày càng hạn chế, các khuyến nghị của báo cáo trong các lĩnh vực cụ thể đóng vai trò rất quan trọng.
Hiện nay, UBDT đang triển khai đánh giá hiệu quả của những chính sách đã triển khai, những gợi ý từ báo cáo sẽ đóng góp rất nhiều cho công tác xây dựng chính sách cho giai đoạn tiếp theo. Với quan điểm tạo ra nhiều cơ hội tốt hơn cho đồng bào về việc làm, chuyển dịch sinh kế, giáo dục, an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực… cần xây dựng những chính sách mang tính đột phá, áp dụng hiệu quả các thành tựu của công nghệ thông tin, góp phần giảm nghèo cho đồng bào DTTS.
PV