Phú Mlô, 5 tuổi, dân tộc M’nông, ở buôn Đrang Phốk, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) là một trong những con nuôi đầu tiên của BĐBP tỉnh Đăk Lăk. Y Phú mồ côi mẹ khi chưa đầy 3 tuổi, bố không nhận con, Phú sống cùng ông bà ngoại già yếu.
Thấy hoàn cảnh éo le, Phú lại sắp đến tuổi đi học, chỉ huy ĐBP Sêrêpốk xin nhận cháu về làm con nuôi của Đồn. Ban đầu ông bà ngoại không đồng ý, các chiến sĩ phải kiên trì thuyết phục, cuối cùng ông bà ngoại của Phú mới đồng ý.
Về ở với BĐBP, Phú được ăn uống đầy đủ, mặc ấm, được các “ông bố” trong Đồn phụ đạo kiến thức và những điều hay lẽ phải. Y Phú vui vẻ nói: “Các chú bộ đội rất yêu thương cháu, dạy cháu học từng chữ cái, hướng dẫn cháu vệ sinh sạch sẽ, tập thể dục rèn luyện sức khỏe cùng các chú. Cháu tự hứa rằng, sẽ học thật giỏi để không phụ lòng ông bà ngoại, các chú BĐBP”.
Trung tá Đỗ Văn Nhương, Đội phó Đội quần chúng, ĐBP Sêrêpốk chia sẻ: “Anh em chúng tôi sắp xếp thời gian, phân chia nhiệm vụ để nuôi dạy cháu, coi cháu như con cái của mình, với mong muốn khi cháu trưởng thành sẽ thành người có ích cho xã hội”.
Theo Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Đăk Lăk, những năm qua, mỗi năm BĐBP tỉnh đã chi số tiền hơn 2,3 tỷ đồng để triển khai nhiều chương trình mang ý nghĩa rất thiết thực với người dân vùng biên. Cụ thể đối với chương trình “Nâng bước em đến trường”, BĐBP Đăk Lăk đã hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho gần 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các xã biên giới. Chương trình “Mái ấm biên cương” đã hỗ trợ 340 căn nhà cho người dân. Ngoài ra, còn trao tặng cây, con giống, phân bón cho hơn 700 hộ nghèo để phát triển kinh tế.
“Đối với mô hình “Con nuôi biên phòng”, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, địa phương, tổ chức rà soát, lập danh sách các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để nhận đỡ đầu, hỗ trợ các cháu được học tập, phát triển nhân cách thành người có ích cho xã hội”, Đại tá Thấm khẳng định.