Làng đảo có nhiều cái nhấtTrong chuyến tàu chạy tuyến Nha Trang-Trí Nguyên, ngoài khách ra thăm đảo, tàu còn chở đầy ắp hàng hóa với các nhu yếu phẩm thông thường và hàng trăm chiếc ti vi… Nhiều người ở làng đảo Trí Nguyên bảo tôi cứ nhìn khối hàng hóa khổng lồ đó, thì biết cuộc sống ở làng đảo đã sung túc thế nào, bói cũng không ra cảnh người dân đói như mấy năm về trước nữa.
Tận mắt chứng kiến những đổi thay của làng đảo Trí Nguyên, tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng vì làng đảo mà chẳng khác nào đô thị. Với trên 3.000 cư dân, làng đảo Trí Nguyên được xem là làng đảo với nhiều cái nhất; phát triển kinh tế mạnh nhất, tỉ lệ học sinh khá nhiều nhất, các mô hình kinh tế năng động nhất, y tế được trang bị hiện đại nhất…
Dẫn tôi đi trên những con đường bê tông láng mịn, Nguyễn Đức Phong, một trong những người đặt chân ra làng đảo này đầu tiên, với những mô hình kinh tế độc đáo tâm sự: “Đây là một làng đảo trù phú nhất miền Trung. Người dân quyết tâm làm ăn lắm, tăng trưởng kinh tế luôn trên mức trung bình của thành phố, thu nhập bình quân đầu người 45 triệu đồng/năm”. Khác xa với gần 10 năm trước, có hàng ngàn dân làng đảo này phải thiếu đói.
Cứ 10 người dân Trí Nguyên, thì có 8 người thông thạo ngành ngư nghiệp. Vậy nên, đã “lột xác” được hay không cũng nhờ cả vào đó. Từ sự khởi sướng của một vài hộ dân, đến nay có hàng trăm hộ dân vừa đánh bắt cá vừa nuôi thủy-hải sản theo mô hình lồng bè. Những chuyến ra khơi và những mẻ cá lồng mang về cho ngư dân làng đảo này tiền tỉ nên chẳng mấy chốc nhà cao tầng mọc lên san sát. Các dịch vụ vui chơi giải trí cũng không thua kém gì đất liền.
Chăm lo gieo chữDẫu là một làng đảo nhưng với gần 900 hộ dân, trên 3.000 nhân khẩu nên Trí Nguyên được bố trí xây dựng Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3, khá bề thế và kiên cố. Hiệu trưởng nhà trường vui mừng khẳng định: Phát triển kinh tế mà không đi liền với giáo dục, thì thế hệ tương lai của đảo sẽ bị nhiều thiệt thòi.
Bởi thế nên bằng mọi giá dù có phải dạy phụ đạo miễn phí cả ngày lẫn đêm, chúng tôi cũng quyết tâm giáo dục tốt để học sinh làng đảo này không thua đất liền. Xưa kia, còn nghèo quá có thể thiếu chữ được, giờ thì nhất quyết không thể như thế.
Thế nên, con chữ đã nảy mầm trên chân sóng, nhiều vụ mùa bộ thu, tỉ lệ học sinh khá liên tục tăng.
Tại làng đảo, mọi tiêu cực trong giáo dục dường như không có. Các giáo viên dạy phụ đạo miễn phí cho con em ngư dân nhưng vẫn có kể hoạch và sự phân công chi tiết, khoa học từ Ban Giám hiệu nhà trường.
Để nâng cao chất lượng dạy và học để các học sinh không bỡ ngỡ khi vào đất liền học lên bậc cao hơn nhà trường còn được trang bị hai máy chiếu hiện đại.
Cô Trần Thị Phường giãi bầy: Không chỉ dạy phụ đạo miễn phí, mà còn phải đến vận động các em ra lớp, nói cho các em thấu hiểu tầm quan trọng của việc học. Vất vả nhưng vui mừng vì thấy các em trưởng thành. Nếu ai cũng bỏ làng đảo mà đi hết thì lấy đâu người ở lại nữa”.
Em Trần Quốc Dương, học sinh lớp 5C bày tỏ khát vọng “Em chỉ mới được thấy đất liền, thấy cảnh thành phố qua ti vi nhưng sẽ cố gắng học tốt sau này làm một người nuôi trồng thủy sản giỏi hoặc một giáo viên của làng đảo này để xây dựng và bảo vệ đảo của chúng em.
Theo báo cáo của Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 3, 100% giáo viên của trường đạt chuẩn. Được phụ đạo liên tục nên 97% học sinh có tinh thần trách nhiệm, có năng lực tiếp cận và vận dụng các nội dung đổi mới theo yêu cầu giáo dục hiện nay. Toàn trường có 500 học sinh thì, trên 70% đạt học lực khá.
Bên cạnh đó, một cách làm hay đáng khích lệ trong trường tiểu học ở làng đảo này, là củng cố tư tưởng cho học sinh bằng cách liên tục tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh xem các bộ phim tư liệu về Bác Hồ, về chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, về truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam, về môi trường và cách bảo vệ môi trường biển.
HÀ ĐÔNG HƯNG